- Các bác sĩ gồng mình đối phó với dịch sốt xuất huyết
- Khống chế không để dịch lớn xảy ra
- Có hơn 9.000 ca sốt xuất huyết, Hà Nội phải lập đội xung kích diệt bọ gậy ở tất cả quận, huyện
Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện E phải kê thêm giường gấp, bố trí thêm phòng điều trị riêng bệnh nhân SXH
Gần 1.200 ổ dịch nhưng trên 70% ổ chỉ có 1-2 ca mắc
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 7 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận thêm 2.305 trường hợp SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên gần 9.000 ca. Tất cả quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã có bệnh nhân SXH, trong đó số mắc nhiều tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm... Đặc biệt, hiện toàn thành phố đã ghi nhận tới gần 1.200 ổ dịch SXH trong cộng đồng. Đây là con số thực sự khiến người dân Thủ đô lo ngại, nhất là khi số mắc mới chưa dừng lại. Tuy vậy, đằng sau những con số nói trên, có một thực tế mà đa phần người dân dễ bỏ qua.
Đầu tiên, Hà Nội đang là địa phương có số mắc SXH cao nhất miền Bắc, đứng thứ hai cả nước, song qua điều tra có đến 40% người mắc là học sinh - sinh viên và lao động ngoại tỉnh. Thứ hai, dù số mắc tăng cao song ngành Y tế Thủ đô khẳng định, dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thực tế, khoảng 900 ổ dịch (chiếm 74%) trong cộng đồng đã được khống chế (qua 14 ngày không ghi nhận người mắc mới), khoảng 7.880 bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi (chiếm 87,7%), tức chỉ còn hơn 12% người bệnh vẫn đang phải điều trị. Đặc biệt, tuy số ổ dịch SXH rất lớn song đa phần là ổ dịch “siêu nhỏ”.
Ông Hoàng Đức Hạnh phân tích, theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, với các dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có SXH, chỉ cần có 1 bệnh nhân mắc đã được xem là 1 ổ dịch. Qua phân tích các ổ dịch SXH đã được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội tính đến đầu tháng 7 vừa qua, hơn 700 ổ dịch (chiếm 72%) chỉ có 1-2 bệnh nhân; 197 ổ dịch (chiếm 20%) có 3-5 bệnh nhân; chỉ có 75 ổ dịch (chiếm 8%) có từ 6 bệnh nhân trở lên.
Điểm đáng chú ý khác, theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chỉ có 2 năm dịch SXH ở Hà Nội ghi nhận số mắc cao là năm 2009 với 16.090 ca mắc (4 ca tử vong) và năm 2015 với 15.412 ca mắc, còn lại bình quân mỗi năm chỉ ghi nhận 5.000 -6.000 ca. Năm nay, dù mới chỉ qua 7 tháng đầu năm nhưng số mắc được ghi nhận đã lên tới xấp xỉ 9.000 ca với 4 ca tử vong (bằng tổng số ca tử vong năm 2009).
Hơn nữa thời điểm hiện nay mới bắt đầu bước vào mùa mưa - mùa dịch SXH tăng mạnh và thực tế đỉnh dịch SXH ở Hà Nội thường rơi từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, tức dịch SXH ở Hà Nội hiện nay được nhận định chưa bước vào đỉnh dịch trong năm, số mắc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vọt trong thời gian tới (chưa kể năm nay là năm nhuận có thêm một tháng 6 âm lịch). Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, năm 2017 này có thể dịch SXH ở Hà Nội sẽ bùng phát mạnh hơn cả đỉnh dịch vào năm 2009.
Cả nhà nhập viện, mắc SXH 3-4 lần
Thời điểm này, hầu như tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm đều đang quá tải bệnh nhân SXH, tình trạng nằm ghép 2-3 người/ giường hết sức phổ biến.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết, có tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mới. Do bệnh nhân quá đông nên các bệnh viện này hiện chỉ tiếp nhận những bệnh nhân SXH nặng vào điều trị nội trú, những bệnh nhân nhẹ sẽ được hướng dẫn chuyển xuống tuyến dưới hoặc tư vấn điều trị ngoại trú. Còn với các bệnh viện của Hà Nội, hiện toàn bộ 28 bệnh viện đa khoa của thành phố đều có bệnh nhân SXH vào điều trị, đông nhất là tại Bệnh viện Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn...
Đáng chú ý, đã ghi nhận khá nhiều chùm ca bệnh mà cả nhà cùng nhập viện vì SXH. Đơn cử tại Bệnh viện Bạch Mai, theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, việc hai vợ chồng cùng mắc SXH vào điều trị không phải hiếm gặp. Thậm chí khoa đã từng tiếp nhận những trường hợp cả 4 người trong một nhà nhập viện điều trị SXH, hay cũng có những trường hợp một phòng trọ có 4 người ở chung cùng mắc SXH phải nhập viện. Tương tự, tại Bệnh viện E, BSCKII Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện cho biết, trong số các bệnh nhân nhập viện vì SXH vừa qua có không ít trường hợp 2-3 người trong một gia đình, thậm chí cả nhà phải cùng vào nằm viện vì SXH.
Một điểm đáng chú nữa mà không nhiều người dân biết đến, đó là ở vụ dịch năm nay đã ghi nhận những người mắc SXH vừa điều trị khỏi chưa lâu lại tái mắc, thậm chí có người mắc SXH đến 3-4 lần. Chẳng hạn tại Bệnh viện Đống Đa - bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm của Hà Nội, tính đến ngày 1-8, đã tiếp nhận tới 3.000 bệnh nhân SXH vào khám, trong đó 1/3 phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, vì virus Dengue gây bệnh SXH có tổng cộng 4 tuýp khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 nên khi nhiễm SXH Dengue thuộc tuýp này rồi thì vẫn có thể mắc phải SXH Dengue ở 3 tuýp virus còn lại. Qua thực tế điều trị, các bác sĩ của bệnh viện đã từng ghi nhận có những bệnh nhân nhập viện đến 3-4 lần vì SXH. Điều nguy hiểm là trong trường hợp mắc lại SXH lần 2, 3, 4 thì người bệnh nhiều nguy cơ mắc những thể bệnh nặng hơn, tính chất nguy hiểm hơn.
Được biết, đến thời điểm này, Hà Nội đã huy động gần 6.000 lượt cán bộ y tế, chính quyền các cấp, tổ dân phố, cộng tác viên tham gia chống dịch SXH; phát trên 550.000 tờ rơi, tờ cam kết phòng chống SXH tới các hộ gia đình; tổ chức tập huấn phòng SXH cho trên 1.500 lượt cán bộ các tuyến.
Sai lầm thường gặp trong điều trị sốt xuất huyết
TS.BS Đỗ Duy Cường khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết
l“Sai lầm phổ biến nhất khi mắc SXH mà người dân cần tránh là tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Từ thực tiễn tiếp nhận điều trị các bệnh nhân SXH cho thấy, do bệnh nhân SXH thường sốt cao nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, SXH là sốt do virus nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Vì thế, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Đấy là chưa kể nhiều người mắc SXH tự ý dùng thuốc aspirin và ibuprofen để hạ sốt, rất nguy hiểm vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng với bệnh SXH thì dùng kháng sinh không có tác dụng bởi đây là bệnh do virus”.
TS.BS Đỗ Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai)
l“Một sai lầm thường gặp khác ở bệnh nhân SXH là tình trạng tự ý truyền dịch tại nhà hoặc tự thuê người truyền dịch không có chỉ định của bác sĩ. Việc này phải tuyệt đối tránh vì tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân SXH chỉ nên truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và phải đến cơ sở y tế để tiến hành truyền. Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp...”.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)
l“Gần đây có một quan niệm lạ lùng được lan truyền về việc kiêng tắm, kiêng ăn một số thực phẩm khi bị bệnh SXH sẽ nhanh khỏi bệnh. Về điều này, xin khẳng định, đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc SXH kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh. Vì vậy, người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. SXH chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó người dân sống trong vùng dịch, khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc SXH cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh biến chứng nặng, không nên áp dụng các bài thuốc lá, thuốc nam truyền miệng không rõ nguồn gốc”.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)