"Đùa" ác ý trên không gian ảo cũng có thể bị phạt tù

ANTD.VN - Thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin “sốc”, mang tính giật gân, câu khách được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Hầu hết các thông tin này đều do một vài cá nhân bịa đặt song đã để lại hậu quả khá nghiêm trọng…

Để “câu” được nhiều like, hầu hết những thông tin này phải “độc”, “lạ”, và “sốc”. Chỉ khổ những người bị trêu đùa bỗng dưng trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ với hàng nghìn lời chửi rủa, lăng mạ, chỉ còn nước muốn… tự tử.

Bỗng dưng trở thành tội phạm

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ, chị Hoàng Thu Trang ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, chị có người cháu họ 19 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ. Một ngày cháu chị nhận được một đường link từ bạn bè gửi, trong đó tại trang http://channel24... có đăng thông tin với tiêu đề: “Hiếp dâm man rợ: Thanh niên 19 tuổi hiếp dâm bà lão 80 tuổi cho đến chết”.

Trong phần nội dung, người viết đã miêu tả khá tỉ mỉ: “Vào khoảng 17h30 ngày 7-7-2017 tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra một vụ hiếp dâm dã man, thanh niên 19 tuổi hiếp chết bà cụ 80 tuổi. Cơ quan công an đã xác minh, làm rõ thủ phạm là anh N.V.A, sinh năm 1998, trú tại...”.

Thông tin và hình ảnh của người được cho là “hung thủ” trùng khớp hoàn toàn với thông tin cá nhân của cháu họ chị Trang. Ngay sau đó, rất nhiều bạn bè, hàng xóm của anh A. cũng đọc được thông tin này. Chỉ khổ nạn nhân và người nhà đi đâu cũng nhận được những lời xì xầm bàn tán, dè bỉu, khinh miệt, bị xa lánh như tội phạm.

Tương tự, vào đầu tháng 7 vừa qua, hình ảnh hai nữ sinh cùng vài dòng thông tin gây chấn động dư luận đã được đăng tải lên mạng: “CAH Tánh Linh, Bình Thuận đang tạm giữ Nguyễn Thị Tuyết H và Nguyễn Thị Thu H để điều tra hành vi hiếp dâm nam thanh niên tên Vũ sinh năm 1992 cho tới chết. Tại cơ quan công an, cả hai thừa nhận hành vi của mình”. Thông tin sai lệch đã khiến hai nạn nhân bị sốc, không dám ra khỏi nhà và không muốn tiếp xúc với ai, thậm chí đòi tự tử. Tuy vậy, sau khi xác minh, cơ quan chức năng khẳng định, thông tin này là hoàn toàn bịa đặt. 

Còn tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, mới đây clip ghi lại hình ảnh một cô gái rửa chân trong xô nước dùng để pha trà đá cho khách đã làm “nóng” mạng xã hội. Tuy vậy, theo bà P.T.L – chủ quán trà đá, những hình ảnh trong clip thực chất là trò đùa quái ác của nhóm nhân viên salon tóc gần đó. Cô gái rửa chân chính là một trong những nhân viên làm tóc đến quán ngồi và xin bà L được pha nước, rót cho khách, rồi tự đạo diễn, quay clip để “câu” like.

"Đùa" ác ý trên không gian ảo cũng có thể bị phạt tù ảnh 2Thông tin thất thiệt về hai nữ sinh  hiếp dâm nam thanh niên và quán trà đá dùng nước rửa chân pha trà cho khách xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội nhiều ngày qua

Cần xử lý nghiêm kẻ tung tin đồn nhảm

Cá nhân có một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác… sẽ bị xử phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Nếu trang thông tin điện tử cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Đó là những quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết. 

Ngoài ra, khi bị tung tin không đúng sự thật, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu người tung tin đồn thất thiệt phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại do tin đồn gây ra. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống. Theo đó, người có hành vi bịa đặt, loan truyền những thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, để có bằng chứng tố cáo tội phạm, khi có thông tin mình bị bêu xấu, nạn nhân cần phải sao chụp lại bài viết liên quan, nhanh chóng trình báo tới các cơ quan chức năng như  Sở, Bộ TT-TT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục An ninh thông tin truyền thông; Phòng An ninh kinh tế…

Điều đáng nói là, ngoài một số người đưa thông tin một cách vô thức hoặc do nhận thức hạn chế thì còn có không ít cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, giật gân nhằm “câu” like, thu hút quảng cáo và sự chú ý của khách hàng. Với sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội, những tin đồn này đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Mặc dù nhiều vụ việc đau lòng liên quan tới mạng xã hội đã xảy ra nhưng vẫn không thể ngăn được việc like, share vô cảm. Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần có ý thức, trách nhiệm và đạo đức với những thông tin mình đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.

Để có bằng chứng tố cáo tội phạm, khi có thông tin mình bị bêu xấu, nạn nhân cần phải sao chụp lại bài viết liên quan, nhanh chóng trình báo tới các cơ quan chức năng như Sở, Bộ TT-TT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục An ninh thông tin truyền thông; Phòng An ninh kinh tế…

Luật sư Lê Hồng Vân