Đòi hỏi sự minh bạch

ANTD.VN - Kể từ khi có Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, hoạt động kinh doanh xăng, dầu - lĩnh vực vốn tốn nhiều giấy mực của báo chí đã dần đi vào ổn định. 

Sự tăng - giảm của giá xăng, dầu qua mỗi kỳ điều hành, dù vẫn là thông tin quan trọng nhưng cũng không còn quá “nóng”. Tính minh bạch trong kinh doanh xăng, dầu - câu chuyện được bàn thảo rất nhiều trước đây - cũng dần lắng xuống.

Thế nhưng, ngay trong kỳ điều hành đầu tiên của năm mới 2018, hoạt động quản lý, điều hành kinh doanh xăng, dầu lại gây xôn xao dư luận. Đúng thời điểm “khai tử” xăng RON 92, khi người tiêu dùng chỉ còn 2 lựa chọn (hoặc xăng E5 hoặc xăng RON 95), Bộ Công Thương đã công bố giữ nguyên giá  xăng E5 trong khi không hề đả động tới chuyện các doanh nghiệp xăng, dầu đã tăng giá xăng RON 95 tới gần 800 đồng/lít (đẩy giá loại xăng này đắt hơn xăng E5 gần 2.000 đồng/lít).

Ngay lập tức, người tiêu dùng đã phản ứng gay gắt cách điều hành này. Nghi ngờ Bộ Công Thương điều hành thị trường theo hướng “ép buộc” người dân phải dùng xăng E5, người tiêu dùng cũng đánh giá thấp tính minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành kinh doanh xăng, dầu của Bộ này - yếu tố được các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung “vun đắp” trong suốt thời gian dài vừa qua.

Trả lời báo chí về nội dung trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết, xăng RON 95 vốn là loại hàng hóa không phổ biến nên kỳ điều hành giá vừa qua, giá cơ sở loại xăng này không được xem xét công bố. Giải thích này không khác nào đổ thêm dầu vào lửa khiến dư luận thêm bức xúc. Cá nhân người viết cũng không thể hiểu được lý giải này của Bộ Công Thương. Một loại hàng hóa được bán trên thị trường từ nhiều năm nay lại được cho là “không phổ biến”! Rõ ràng, lý do này là quá khiên cưỡng và thực tế không được người tiêu dùng chấp nhận.

Một doanh nghiệp đầu mối cho biết, liên bộ không điều hành giá xăng RON 95 mà do doanh nghiệp tự quyết theo cơ chế thị trường. Thông tin này càng khiến người tiêu dùng có cơ sở để nhận định, khi không còn xăng RON 92, một bộ phận người dân chuyển sang dùng xăng RON 95 đã bị “ép” phải chấp nhận mức giá mới tăng vọt so với trước.

Bỏ qua yếu tố trục lợi và có thể xem việc tăng giá xăng RON 95 như một biện pháp hành chính để hướng người dùng tới xăng E5 - loại hàng hóa được khuyến khích sử dụng, dư luận vẫn bức xúc bởi tại sao Bộ Công Thương không công khai thừa nhận điều này mà lại nói xăng RON 95 “không phổ biến”?

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương được ghi nhận với những bước đột phá trong cắt giảm thủ tục hành chính và công tác cán bộ. Trong các lĩnh vực công tác vốn được xem là nhạy cảm nói trên, tính minh bạch đã được nâng lên rất nhiều. Dư luận được tiếp cận thông tin khá đầy đủ và nhanh chóng. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ.

Người dân có quyền đòi hỏi tính minh bạch cao hơn nữa từ Bộ Công Thương, nhất là trong hoạt động quản lý - điều hành kinh doanh xăng, dầu. Đồng ý là Bộ có nhiều mục đích cần đạt được trong quá trình quản lý nhưng chúng ta nên đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên cao nhất. Không nên để quyền lợi đó bị bóp méo trong sự tù mù, kém minh bạch.