Đỗ đại học rồi: Đừng giữ tư duy kiểu học sinh, chỉ học và chơi

ANTD.VN - Ở thời điểm này, các trường đại học và cao đẳng bắt đầu rậm rịch công bố điểm chuẩn xét tuyển. Nhiều thí sinh sẽ chính thức trở thành tân sinh viên, để bắt đầu một hành trình mới. Nhưng hành trình này liệu có khác gì trước đây không? Hay chỉ lại là… đi học và chơi thôi?

Kỳ thi tuyển vào đại học được xem như “cuộc đấu” gay cấn nhất trong đời học sinh. Sau khi trải qua kỳ thi này, việc các em giải lao “xả hơi” là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, khi biết kết quả trúng tuyển, bên cạnh niềm vui của bản thân và gia đình, rất nhiều tân sinh viên lập tức quên rằng họ phải trải qua kỳ thi gay cấn đó để tiến sang một hành trình mới của cuộc đời: Là học lấy một cái nghề trước khi bước vào cuộc sống phức tạp để kiếm tiền nuôi bản thân!

Vì quên rất nhanh nên không ít sinh viên chỉ nghĩ đơn thuần “ta lại đi học”, cắp sách tới trường và cố gắng vượt qua các kỳ thi. Trong khi đó, môi trường đại học cởi mở hơn so với thời THPT, càng khiến nhiều bạn sinh viên khó dứt khỏi những thú vui ngoài cuộc sống.

Hết giờ học trên giảng đường thì đi chơi, nhẹ nhàng thì sinh hoạt văn nghệ, chụp ảnh khắp nơi, tiêu cực hơn thì vùi đầu vào game (nhiều sinh viên bập vào thói nghiện game vì có điều kiện sử dụng máy tính và internet nhiều hơn)…

Đỗ đại học rồi, phải thay đổi thôi, đừng giữ thói quen cũ: Học và chơi là... đủ

Cứ thế, 4-5 năm học đại học trôi qua rất nhanh, và các bạn sinh viên nhiều khi vẫn ngỡ rằng, đó chỉ là những năm “hậu THPT” mà không thay đổi nhiều về tư duy, thiếu hành trang sẵn sàng cho quá trình bước chân ra đời kiếm sống.

Không chỉ bản thân các em, không ít phụ huynh cũng mang tâm lý như vậy - thứ tâm lý “18 tuổi vẫn chưa lớn, vẫn phải nuôi ăn nuôi học như… học sinh”.

Bởi vậy, mới sinh ra câu chuyện các tân cử nhân vừa tốt nghiệp đại học đã than thở khó khăn, rằng tại sao các doanh nghiệp tuyển dụng lại luôn yêu cầu “có 1-2 năm kinh nghiệm”.

“Bọn em vừa ra trường, lấy đâu kinh nghiệm mà yêu cầu?” – Câu hỏi bức xúc này, hẳn chúng ta sẽ được nghe nhiều vào mỗi mùa… tuyển dụng và thất nghiệp.

Thực ra, các bạn trẻ ấy quên mất rằng 4-5 năm học đại học chính là khoảng thời gian tích lũy kinh nghiệm vô cùng quý giá mà các bạn đã lãng phí. Thay vì chỉ học lý thuyết suông, cùng vài chục giờ thực hành lấy lệ, những sinh viên có chí hướng và biết phấn đấu sẽ không chấp nhận thỏa mãn với những gì có trên giảng đường, mà lăn xả vào các vị trí công việc tương lai với tư cách “học viên làm… không công”, cốt để tích lũy.

Và khi ra trường, họ lập tức có lợi thế rõ rệt so với những người bạn đồng trang lứa, vốn quen dành thời gian rảnh rỗi trong suốt 4-5 năm qua để “pose” hình, du ngoạn, tiệc tùng, giải trí…

Nếu là một sinh viên báo chí, khi tới năm thứ 3, 4 rồi mà chẳng có mấy bài được đăng báo, không viết nổi một bài báo hoàn chỉnh theo yêu cầu, thì tòa soạn nào “dũng cảm” nhận về đào tạo lại?

Nếu là một sinh viên công nghệ thông tin, khi tới năm thứ 4, 5 vẫn chưa lập trình thành thạo với một ngôn ngữ đang được dùng phổ biến, thì công ty phần mềm nào sẵn sàng đón về dạy thêm?

Nếu là một sinh viên kinh tế, tới năm thứ 3, 4 rồi mà vẫn ngây ngô trước các hoạt động của doanh nghiệp, của thị trường, thì công ty nào đủ “tốt bụng” tiếp nhận khi người đó tốt nghiệp?

Tất cả điều trên, có vẻ như vẫn cần thêm thời gian để các phụ huynh và tân sinh viên thấu hiểu. Bởi hiện giờ, nhìn cảnh các bạn sinh viên vô tư học lý thuyết và chơi thả cửa, ai dám bảo họ đã sẵn sàng bước chân ra ngoài xã hội và kiếm tiền sòng phẳng bằng chính năng lực của mình?