Đồ chơi Trung Thu: Hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường

ANTD.VN - Không chứng nhận hợp quy, không in tiếng Việt và cũng chẳng rõ nhà nhập khẩu, đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn tràn ngập phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hàng Việt lép vế

Dạo một vòng quanh các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can có thể nhận thấy hầu hết đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm đa số tại các gian hàng. Hình thức đẹp, bắt mắt và mẫu mã đổi mới liên tục và khá hiện đại chính là bí quyết khiến phần lớn trẻ em đều đòi bằng được cha mẹ mua những sản phầm này cho mình.

Mặc dù những năm gần đây, đồ chơi Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình để theo kịp và đáp ứng thị trường, nhưng dường như những cố gắng của các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa đủ trong khi nhu cầu và thị hiếu của trẻ em ngày một cao hơn. Các mặt hàng của Việt Nam vẫn khá nghèo nàn khi chỉ dừng lại ở vài ba chủng loại mang tính truyền thống như: đầu sư tử, trống quân, đèn ông sao, mặt nạ ông địa bằng giấy bồi, trong khi hàng Trung Quốc là nhan nhản những mẫu mã thời thượng ăn theo các bộ phim điện ảnh nổi tiếng như: siêu nhân, người nhện, búp bê công chúa đầy hấp dẫn.

Đồ chơi Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Trung Thu

Chị Phan Thị Nội, chủ một cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã thẳng thắn: “Dù rất muốn bán hàng đồ chơi Việt Nam, nhưng thành thật mà nói nhu cầu của người tiêu dùng đối với những mặt hàng này không cao. Đã làm kinh doanh, ai cũng mong buôn bán phải có lãi, trong khi đó cả tối bán hàng chỉ có vài ba người mua đầu sư tử nhưng số người mua đồ chơi Trung Quốc thì lại cao gấp 10 lần”.

Người mua khó có thể nhận biết mức độ nguy hiểm của đồ chơi Trung Quốc

Lý giải về việc các bậc phụ huynh vẫn thiên về lựa chọn đồ chơi Trung Quốc cho con em mình, chị Nội cho rằng, hàng Trung Quốc giá thành khá rẻ và mặc dù độ bền không bằng hàng của các hãng nổi tiếng, nhưng do trẻ em vẫn chưa biết cách giữ gìn nên phụ huynh thường có tâm lý cho trẻ chơi vài ba lần rồi bỏ cũng không tiếc. Ngoài ra phải thừa nhận rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc nắm bắt tâm lý trẻ em rất nhạy bén. Bằng chứng là họ liên tục tung ra các sản phẩm mới với nhiều tính năng. Các loại đồ chơi như đèn lồng, kiếm siêu nhân hay thậm chí như chiếc bờm tai thỏ, vương miện đội đầu cũng được lắp đèn nhấp nháy rất hấp dẫn.

Đồ chơi truyền thống chiếm vị trí khá khiêm tốn do nghèo nàn về mẫu mã và chủng loại

 Tối mùng 2-9, đưa 2 đứa con nhỏ đi sắm đồ chơi Trung Thu trên phố Hàng Lược, anh Phạm Tiến Mười ở 75 Cầu Đất, Hoàn Kiếm cho biết: “Mặc dù tôi rất muốn mua đồ chơi trong nước sản xuất cho các cháu vì tính an toàn, nhưng khi ra đây, lũ trẻ lại khá thờ ơ với hàng Việt Nam mà chỉ nằng nặc đòi mua đồ chơi Trung Quốc. Tôi cũng nghe nói nhiều về sự độc hại của loại đồ chơi này, nhưng cũng xác định trẻ chỉ dùng vài bữa là hỏng nên cũng không quá lo ngại. Hơn nữa, muốn mua hàng Việt Nam thì cũng đâu có nhiều lựa chọn?”.

Nguy hiểm khó lường

Thời gian gần đây, Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (RAPEX) liên tục đưa ra những khuyến cáo đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về sự an toàn của đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây nên những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ em. Nhiều quốc gia đã có động thái cấm nhập khẩu hoặc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đồ chơi nói trên, nhất là những đồ chơi bằng nhựa.

Ngoài việc các món đồ chơi này có tính bạo lực, kinh dị, chúng còn chứa hàm lượng hóa chất hữu cơ Diethylhexyl phthalate (DEHP) ở mức khá cao từ 15-30%. Đây là loại hóa chất được các nhà khoa học khuyến cáo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của trẻ hoặc có khả năng gây ung thư, phá hủy thận, hệ thống hormone, hen suyễn, dị ứng… nếu tiếp xúc thường xuyên với nồng độ cao.

Những chiếc mặt nạ với nhiều hình dạng kỳ dị được bày bán công khai

 Theo các chuyên gia của Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, những đồ chơi bằng nhựa trong thành phần không thể thiếu DEHP do đây là loại hóa chất giúp làm mềm sản phẩm. Hóa chất này có đặc điểm dễ hòa tan trong nhựa nhưng lại không có liên kết chặt chẽ với các chất phân tử trong sản phẩm nên chúng rất dễ bị thất thoát ra ngoài, đặc biệt nếu như trẻ em có thói quen ngậm, cắn đồ chơi. Khi đó DEHP dễ dàng hòa tan vào nước bọt rồi thâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường tiêu hóa. Ở Trung Quốc, việc sản xuất các loại đồ chơi rẻ tiền thường do các xưởng sản xuất gia công thực hiện và việc pha chế DEPH thường không được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới hóa chất này có rất nhiều trong sản phẩm và là nguy cơ gây hại trực tiếp cho người dùng.

Trẻ em luôn bị hấp dẫn bởi những món đồ chơi sặc sỡ nhưng tiềm ẩm nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại

Do đó, các phụ huynh cần lưu ý đặc biệt và không nên chiều theo ý thích của trẻ khi mua tặng đồ chơi cho con em mình. Dấu hiệu để nhận biết DEHP có trên đồ chơi của trẻ là sản phẩm có mùi rất nồng, dẻo như sáp, ở nhiệt độ cao thì khả năng DEHP thôi ra càng lớn. Bên cạnh đó, các loại đồ chơi có màu sặc sỡ cũng rất nguy hiểm bởi được pha trộn nhiều ion kim loại nặng và sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ về mặt lâu dài.