Dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2020: Bắc bộ mưa rét, thời tiết đậm chất Xuân

ANTD.VN - Khoảng ngày 30 tháng Chạp, sẽ có một đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống Bắc bộ gây mưa và rét cho toàn khu vực. 

Tết Nguyên đán đậm chất xuân

Dự báo mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, thời tiết trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ 22/1/20220 đến 29/1/2020) cho thấy, nhiệt độ trung bình trong tuần này có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, xét riêng về dịp Tết, thì Tết Nguyên đán năm nay nhiều khả năng lạnh hơn Tết năm ngoái.

Với các tỉnh miền Nam, thời tiết về cơ bản tốt, không mưa, ngày nắng, nắng nóng nhẹ có thể xảy ra ở miền Đông Nam bộ, trong đó có TP.HCM.

Với Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, một số ngày có thể có mưa, ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trời sẽ rét khi có không khí lạnh tràn xuống khu vực Bắc bộ.

Tết Nguyên đán 2020 nhiều khả năng lạnh và có mưa

Với các tỉnh miền Bắc, thời tiết Tết năm nay sẽ lạnh hơn và đậm chất Xuân hơn so với Tết năm ngoái. Khả năng sẽ có nhiều kiểu thời tiết cùng xảy ra trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Tại Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khoảng ngày 29 và ngày 30 tháng Chạp sẽ có một đợt Gió mùa đông Bắc, trời chuyển rét kèm theo mưa mỏ, mưa phùn và sương mù. Hình thái thời tiết này kéo dài từ ngày 30 tháng Chạp đến khoảng mùng 3 Tết. Nhiệt độ dao động từ 14-21 độ C, về đêm ở mức 14-15 độ C, ban ngày ở mức 20-22 độ C. Riêng các tỉnh Tây Bắc bộ như Điện Biên, Lai Châu không khí lạnh ít tác động hơn nên trời lạnh vào đêm và sáng, trưa chiều trời nắng ấm.

Trên biển ít có dấu hiệu xuất hiện thời tiết nguy hiểm như áp thấp nhiệt đới, bão trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý.

Còn trong 10 ngày tới (từ 17/1 đến 27/1), khu vực phía Tây Bắc bộ từ đêm 17 đến ngày 20/1 có mưa vài nơi, riêng ngày 19/1 có khả năng mưa rải rác, tập trung ở Tây Bắc. Trời rét, ngày 18/1 có nơi rét đậm.

Từ ngày 21 đến ngày 27/1, có mưa vài nơi, riêng ngày 20/1 có mưa rải rác. Trời rét.

Phía Đông Bắc bộ, từ đêm 17 đến ngày 19/1, có mưa vài nơi, riêng ngày 19/1 có mưa rải rác, tập trung ở vùng núi. Trời rét, ngày 18/1 có nơi rét đậm. Đêm và sáng sớm có sương mù dày. Hình thái thời thiết này duy trì đến ngày 21/1 thì nhiệt độ tăng dần.

Từ ngày 20/1 đến ngày 27/1, có mưa vài nơi, đêm và sáng có sương mù, riêng ngày 20 và 21/1 có mưa rải rác, trời rét.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, từ đêm 17/1 đến 20/1, phía Bắc có mưa vài nơi, đêm và sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ; phía Nam có mưa, mưa rào và có nơi có giông đến ngày 19/1.

Từ ngày từ ngày 21  đến ngày 23/1, có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có giông; riêng phía Nam có nơi mưa vừa, tập trung trong ngày 22/1. Từ ngày 24/1 đến 27/1 có mưa rào và giông vài nơi.

Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, có mưa rào và giông vài nơi ngày nắng, ven biển Nam bộ xuất hiện đợt triều cường tuy nhiên thấp hơn so với các đợt triều cường cuối năm 2019 nên ít có khả năng gây ngập úng.

Rét đậm tập trung trong tháng 2 nhưng không kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong nửa đầu năm 2020, ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.

Xu hướng hoạt động của vùng thấp, áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông trong những tháng đầu năm 2020 theo quy luật của khí hậu, có khoảng 2-4 áp thấp hay bão trên Biển Đông trong thời kỳ này. Tuy nhiên, cần đề phòng những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như không khí lạnh, giông, sét, lốc, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa. Theo đó, rét đậm được dự báo tập trung vào nửa cuối tháng 1 và tháng 2/2020, tuy nhiên sẽ không kéo dài.

Đáng nói, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước trong những tháng đầu năm 2020 tiếp tục có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm.

Nửa đầu năm lượng mưa có xu hướng thiếu hụt trên phạm vi toàn quốc. Từ tháng 6/2020 trở đi, mưa có xu hướng xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm 2020.

Do lượng mưa thiếu hụt nên từ tháng 1 đến tháng 7/2020, nguồn nước tên các sông suối khu vực Bắc bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là các tháng đầu năm 2020. Cụ thể như, sông Đà thiếu hụt từ 20-40%, sông Thao thiếu hụt từ 30-70%; sông Lô- Gâm- Chảy thiếu hụt từ 10-20%, ra hạ lưu thiếu hụt từ 40-90%.

Hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 20-40%, riêng tháng 1 và tháng 2 thì xấp xỉ trung bình nhiều năm do các hồ thủy điện tăng xả nước để phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2019-2020.

Tại các tỉnh khu vực Trung bộ, Tây Nguyên trong mùa khô 2019-2020, dòng chảy trên các sông ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nguy cơ xảy ra khô hạn thiếu ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên; từ tháng 6 trở đi khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ lan rộng ra khu vực Trung bộ.