Định hướng chọn ngành, nghề cho học sinh THPT nhằm nâng cao cơ hội việc làm

ANTD.VN -Vừa qua, đại học RMIT Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Định hướng chọn ngành, nghề cho học sinh THPT nhằm nâng cao cơ hội việc làm trong thời kỳ hội nhập" tại tỉnh Quảng Ninh.

Hội thảo đã thu hút 500 người tham dự, gồm đại diện các bộ ban ngành, phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh.

Buổi hội thảo có cách tiếp cận rất mới- hai nôi dung chính gồm: Thị trường lao động tại Việt Nam; Hướng nghiệp thời hiện đại được truyền tải dưới dạng chia sẻ những câu chuyện thực tế và thông qua hình thức hỏi và trả lời. Đặc biệt, nhiều học sinh lớp 12 đã gửi những câu hỏi trực tiếp cho cô Phoenix và nhận được câu trả lời ngay tại khán phòng. Ví dụ như “Chọn nghề theo đam mê hay năng lực của bản thân?

Buổi trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp

Lời khuyên của chuyên gia Hồ Phụng Hoàng Phoenix Quản lý Phòng Hướng nghiệp của đại học RMIT Việt Nam: “Em nên tiếp cận những đầu bếp chuyên nghiệp đã làm nghề được nhiều năm tại một số khách sạn lớn ở Quảng Ninh, nghe họ chia sẻ về nghề - được và mất, những nỗi vất vả sau ánh hào quang. Nếu những khó khăn trước mắt không làm em chùn bước thì hãy đi theo con đường mà em yêu thích”.

Ông Ngô Văn Hợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tôi đánh giá cao cách đặt vấn đề mới và cách triển khai nội dung hấp dẫn của hội thảo. Những hiểu biết có được sau hội thảo sẽ hữu ích cho cả học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cả những nhà quản lý như tôi. Thực tế, chúng tôi làm công tác hướng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì đánh giá thị trường và dự báo thị trường rất thiếu”.

“Một trong những điều tôi tâm đắc trong hội thảo của cô Phoenix là sự phát triển năng lực của từng cá nhân là điều cốt lõi, chứ không phải chọn nghề theo độ hấp dẫn và phát triển của ngành nghề, đặc biệt trong thời buổi hội nhập, thị trường lao động luôn biến đổi như hiện nay”, ông Hợi nhấn mạnh.  

Cô Phoenix còn nhắc tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và những ảnh hưởng của nó đến tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Theo đó, việc luân chuyển lao động trong các ngành như kiểm toán, kiến trúc sư, kỹ sư, y tá, và đặc biệt là du lịch sẽ khiến các bạn trẻ Quảng Ninh có thể đem chuông đi đánh xứ người ở các nước trong khu vực mà không cần giấy phép lao động.

Đồng thời cũng có nghĩa lực lượng lao động ở Quảng Ninh sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi nguồn lao động chất lượng cao ở nước ngoài đổ về.

Trần Tùng Lâm, học sinh lớp 12 Anh 2, trường THPT chuyên Hạ Long hào hứng chia sẻ sau hội thảo: “Em đã xác định được ngành nghề định từ khá lâu. Hết cấp 3, em muốn học ngành Khoa học chính trị, và sau này làm nghề báo. Nhưng sau buổi hôm nay của cô Phoenix em nhận ra hướng nghiệp là cả một chặng đường dài và không nên sợ hãi nếu phải thay đổi. Trong giai đoạn này em có thể thích một công việc, thời gian sau em có thể hứng thú với một công việc khác. Quan trọng là em rèn luyện và phát triển được nhiều kỹ năng quan trọng để làm nghề”.