"Điệp khúc" đào đường - cần rõ trách nhiệm

ANTD.VN - Cuối năm, đường phố lại ngổn ngang vì một loạt các dự án chỉnh trang vỉa hè, đào hạ ngầm đường cáp, điện lực hay sửa chữa đường ống nước ở nội thành Hà Nội. 

Mặt đường phố Chùa Bộc được hoàn trả cẩu thả Ảnh: LAM THANH

Trên nhiều tuyến phố hiện nay, tình trạng vỉa hè đột nhiên bị cậy lên lát lại, đường sá bỗng dưng bị đào lên để hạ ngầm cáp viễn thông diễn ra khá phổ biến khiến nhiều tuyến đường, phố ngổn ngang, nham nhở.

Tại nhiều khu vực có lưu lượng phương tiện đông đúc, đường sá đào bới nham nhở khiến tình hình giao thông thêm bức xúc. Đáng nói, các đơn vị đào đường thường chậm hoàn trả mặt đường hoặc hoàn trả một cách cẩu thả.

Đào rồi lấp, lấp rồi đào

Dọc tuyến phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một bên vỉa hè đang bị đào lên để lát lại. Bác Nguyễn Trọng Đán ở phố Thợ Nhuộm cho biết: “Người dân bỗng nhiên thấy một đơn vị thi công đến đào hết vỉa hè lên. Nhân dân thắc mắc thì được biết là đào lên để thay gạch mới. Thế là đường sá cứ ngổn ngang, ngập ngụa ra. Chúng tôi không hiểu vì sao, vỉa hè mới bó vỉa còn mới, có việc gì đâu lại phải thay mới. Lãng phí quá!”. 

Tương tự, trên một số tuyến phố như Yết Kiêu, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Trần Cung, Trung Văn... tình trạng đào đường cũng diễn ra gây bức xúc cho người dân sinh sống trên địa bàn. Anh Nguyễn Trung Quân ở Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm bức xúc, cách đây khoảng 1 tháng, trên phố Trần Cung đoạn từ số nhà 121 đến gần ngõ 171 có đơn vị đến đào tung một bên đường, nghe nói để hạ ngầm đường dây điện.

 Lúc thi công đơn vị đó có dựng hàng rào cảnh báo, nhưng sau khi thi công xong, hàng rào cảnh báo đã dẹp bỏ nhưng đường thì vẫn nham nhở, ngổn ngang. “Đã có vài trường hợp đi xe máy bị ngã, dù không nghiêm trọng nhưng rõ ràng thể hiện sự vô trách nhiệm của đơn vị thi công. Đơn vị cấp phép cho đào đường cũng không giám sát để yêu cầu đơn vị thi công hoàn trả mặt đường tử tế”, anh Nguyễn Trung Quân bày tỏ. 

Nhiều tuyến phố khác ở trung tâm cũng chịu chung cảnh mặt đường bị xẻ ngang dọc bởi đơn vị thi công đào hạ ngầm hoặc sửa chữa đường nước nhưng khi xong việc chỉ lấp trả bằng đá dăm cấp phối.

Bên cạnh sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị cấp phép, chịu trách nhiệm giám sát cũng không hậu kiểm để mặt đường cứ đào lên rồi lại lấp, như một tấm áo rách làm hư hỏng kết cấu mặt đường.

Trách nhiệm chung chung

Ông Lương Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc cấp phép đào đường, vỉa hè hiện do nhiều bên quản lý, cấp phép như Sở Xây dựng, Sở GTVT và các quận, huyện. Do vậy, phải tùy dự án cụ thể mới biết được do đơn vị nào cấp phép, chịu trách nhiệm quản lý, giảm sát. 

Đối với Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi năm cấp khoảng 100-120 giấy phép cho các đơn vị thi công. Đây hầu hết là các công trình phục vụ dân sinh như cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông… 

Ông Lương Đức Thắng khẳng định, việc cấp phép đào hè đường luôn được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định như chủ đầu tư phải có đơn xin phép, hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm các văn bản pháp lý liên quan, nộp hồ sơ tại Sở từ 5 đến 7 ngày theo quy định…

Quá trình thi công phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Thanh tra Sở, lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo đảm chất lượng công trình cũng như bảo đảm ATGT trong quá trình thi công, hoàn trả mặt đường đúng hiện trạng ban đầu.

Riêng việc xử lý sự cố như vỡ đường ống cấp nước sinh hoạt, sập cống thoát nước, nổ dây điện, đứt cáp viễn thông… được cấp phép đào hè đường để khắc phục ngay trong ngày, có ngày lên đến 3-4 vụ. 

Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, hàng năm, lực lượng thanh tra GTVT đều có xử phạt các chủ dự án đào đường, vỉa hè không đáp ứng quy định. Các lỗi chủ yếu của chủ đầu tư và các nhà thầu là chưa bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không trang bị đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, thi công không đúng giấy phép được cấp, không có người gác thường xuyên để hướng dẫn giao thông và địa điểm tập kết vật liệu xây dựng, không hoàn trả mặt đường bảo đảm chất lượng. 

Do có quá nhiều đơn vị cấp phép đào đường, vỉa hè cũng như mỗi đơn vị chịu một phần trách nhiệm đã khiến các tuyến đường ngày càng nham nhở bởi việc đào bới, hoàn trả mặt đường cẩu thả nhưng không được giám sát, xử lý triệt để… 

Việc cấp phép đào đường, vỉa hè hiện do nhiều bên quản lý, cấp phép

Tập trung phân luồng ở những tuyến có nguy cơ ùn tắc

“Hiện Phòng CSGT - CATP Hà Nội cũng phối hợp với Sở GTVT Hà Nội tiếp tục khảo sát, nghiên cứu nhằm phát hiện các hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, kịp thời kiến nghị, tổ chức lại giao thông, kẻ vẽ lại vạch kẻ đường, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, duy tu sửa chữa lại mặt đường hư hỏng; Tổ chức làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu các công trình, dự án xây dựng trên các tuyến đường, phố để tháo dỡ, thu hẹp các vị trí rào chắn khi đã thi công xong, kịp thời thu dọn nguyên vật liệu, phương tiện máy móc… không để bừa bãi gây cản trở, ùn tắc giao thông. Đơn vị cũng chủ động phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin với các phòng nghiệp vụ của Cục CSGT và lực lượng CSGT các tỉnh giáp ranh để nắm tình hình về TTATGT, kịp thời tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, phân luồng từ xa khi có sự cố giao thông, tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ ra, vào thành phố”.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - (Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt)