Dịch cúm gia cầm áp sát biên giới Việt Nam: Không đợi có dịch mới ứng phó

ANTD.VN - Tại Trung Quốc, 2 tháng qua đã ghi nhận hơn 340 ca bệnh cúm gia cầm A/H7N9, vì thế nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trước diễn biến dịch cúm A/H7N9 ngày càng lan rộng với số ca mắc tăng nhanh tại Trung Quốc, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Nguy cơ xâm nhập bất cứ lúc nào

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh cúm A /H7N9 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 2 tháng qua, tại nước này đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc cúm gia cầm A/H7N9. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh. Trong khi đó, tại một nước láng giềng khác với Việt Nam là Campuchia, tháng 1-2017 vừa qua cũng đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại Sveyrieng - tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam… Vì vậy, khả năng dịch xâm nhập vào nước ta là rất cao.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc vừa diễn ra giữa tuần này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích, lý do khiến dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào là do nhu cầu giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với những nước láng giềng rất lớn. “Hơn nữa, thời điểm hiện tại lại là thời điểm của cúm mùa, cúm gia cầm gia tăng mạnh nhất trong năm. Dù năm 2016, Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm nhưng cúm mùa vẫn lưu hành rộng rãi với 3 chủng cúm A/H3N3 (chiếm 45%), cúm B (chiếm 43%), cúm H1N1 (chiếm 12%)”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích. 

Phải có kịch bản đối phó

Lo ngại trước nguy cơ các dịch cúm gia cầm kể trên xâm nhập, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đề xuất, ngoài phòng chống dịch thì ngành Y tế cũng cần sớm chủ động mua sắm thuốc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh dịch này. “Năm ngoái, khi xuất hiện một số ca mắc cúm mùa, chúng tôi đã chuyển kho dự trữ thuốc Tamiflu cho một số tỉnh, thành phố. Do vậy, năm nay, Bộ Y tế cần sớm mua bổ sung thuốc để phòng dịch, nếu không khi dịch xâm nhập, số mắc tăng nhanh thì khó có thể xoay xở kịp”, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.

“Dịch cúm đang gia tăng mạnh ở châu Mỹ, châu Âu cũng đã xuất hiện ca bệnh. Riêng Trung Quốc đã ghi nhận cúm A/H7N9 nên xu hướng xâm nhập vào nước ta rất lớn. Để phòng dịch xâm nhập, nhiều nước đã cấm nhập thịt gia cầm từ các quốc gia có dịch”.

TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Còn về công tác phòng chống dịch, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương cần nhận diện, đánh giá cho được những dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, lưu hành trên địa bàn. Từ đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể theo từng năm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, kinh nghiệm xây dựng kịch bản đối phó từng dịch bệnh từ nhiều nước trên thế giới cho thấy khi triển khai chống dịch sẽ rất hiệu quả. Do đó, điểm mới trong công tác phòng chống dịch năm nay là chúng ta sẽ xây dựng kịch bản, tình huống cụ thể (khi không có ca bệnh, khi có ca bệnh xâm nhập và khi dịch bệnh xảy ra) đối với từng dịch bệnh trên địa bàn. Tuyệt đối không để khi có dịch mới loay hoay ứng phó.

Cũng liên quan đến các dịch bệnh này, ngày 17-2, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Mặt khác, tăng cường giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.