Đi học về là cắm đầu vào mạng xã hội, nữ sinh 14 tuổi bị co giật

ANTD.VN - Một nữ sinh 14 ở Hà Nội vừa phải vào Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia để được tư vấn điều trị vì rối loạn trầm cảm, co giật phân ly, sau khi bị bố mẹ thu điện thoại không cho vào mạng xã hội, Facebook…

Trao đổi với báo chí chiều này, TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy tại Viện chưa có ca bệnh nào phải điều trị nội trú đơn thuần liên quan đến nghiện Facebook, mạng xã hội song thời gian gần đây, Viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tư vấn khi có các bệnh lý đồng diễn hoặc hậu quả của quá trình nghiện Facebook, mạng xã hội.

TS Nguyễn Doãn Phương trao đổi với báo chí chiều nay, 21-7

Đa số bệnh nhân đến khám, tư vấn ở lứa tuổi học sinh sinh viên. Mới đây, trực tiếp TS Phương đã tiếp nhận, khám cho một bé gái 14 tuổi ở Hà Nội, vì sử dụng Facebook rất nhiều nên khi bị gia đình cấm sử dụng thì cháu bé lên cơn co giật phân ly. “Trường hợp này, tôi phải tư vấn cho gia đình và cháu bé để cháu bé được sử dụng Facebook thế nào cho phù hợp, không gây hại tới sức khỏe” – TS Phương kể.

Một trường hợp khác, cũng là một bạn gái trẻ nghiện Facebook nặng, cứ đi học về là lên phòng cắm đầu vào điện thoại xem Facebook, cả lúc ăn cũng không rời điện thoại, ai hỏi gì cũng không trả lời.

“Qua khám bệnh thấy cháu bé có hoang tưởng ảo giác. Khi bị gia đình thu điện thoại, cấm sử dụng Facebook, cháu bé có cảm giác lúc thì thấy có người đàn ông nói cứ phải chơi đi, lúc thì thấy tiếng gọi của một người đàn bà bảo phải chơi Facebook đi… Chúng tôi tư vấn cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống loạn thần, sau một thời gian điều trị tâm lý, tư vấn kết hợp dùng thuốc chống loạn thần thì cháu bé đã đỡ bệnh” – TS Phương cho biết.

Theo các bác sĩ, những người nghiện mạng xã hội thường có tâm lý hay lo âu, tính chất lo âu này đến rất nhanh chứ không giống triệu chứng lo âu trong các bệnh lý tâm thần, tức đọc được tin này tin khác trên mạng xã hội lập tức cảm thấy lo âu, hoang mang. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội quá nhiều thời gian trong ngày cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày cũng như công việc, học tập.