Đi du lịch mạo hiểm: Đừng dễ dãi phiêu lưu quên cả mạng sống

ANTD.VN - Những chuyến du lịch mạo hiểm, những cung đường phượt đầy hoang dã nhưng cũng nhiều thú vị bất ngờ. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp thiên nhiên là những nguy hiểm không thể lường trước.

Có những cung đường trekking đẹp song cũng chứa đựng nguy hiểm nếu không có người hướng dẫn

 Sự việc nhóm phượt thủ trải bạt ngủ ven đèo; nam thanh niên mất tích 8 ngày khi leo Tà Năng - Phan Dũng, được tìm thấy khi đã tử vong... mới xảy ra gần đây đều khiến nhiều người bàng hoàng. Do đó, việc cẩn thận, đề cao yếu tố đảm bảo an toàn khi “xách ba lô lên và đi”, gióng lên hồi chuông du lịch có trách nhiệm là rất cần thiết.

Cẩn thận không bao giờ thừa!

Mới đây, dư luận xôn xao trước hình ảnh nhóm phượt thủ gồm cả nam lẫn nữ hồn nhiên trải bạt, đắp chăn nằm ngủ ngay ven đường đèo Tà Pao (Bình Thuận). Nhiều người bày tỏ sự băn khoăn, những người trẻ ưa trải nghiệm này sao lại liều lĩnh nằm nghỉ ngơi tại một khúc cua đầy nguy hiểm, trong khi sự thiếu ý thức này có thể gây nguy hiểm cho người đi đường và chính bản thân họ. 

Tiếp đó, trên các diễn đàn du lịch lại “nóng” lên khi xuất hiện thêm một hình ảnh xấu xí, mạng xã hội bất bình trước hình ảnh của một nhóm phượt bật nhạc “quẩy”, tưng bừng giữa đường đèo như trong quán bar. Nhóm phượt này lại có khá đông thành viên. Hầu hết các thành viên đều trang bị đồ bảo hộ, mũ bảo hiểm, áo phản quang đầy đủ nhưng lại dừng xe nhảy nhót, hò hét giữa đèo gây phản cảm.

Rõ ràng, đi đến những nơi phong cảnh đẹp, xa xôi để có được những trải nghiệm, khám phá mới là cần thiết, tuy nhiên không thể đem tính mạng ra đùa trên những cung đường. Những mối nguy hiểm luôn tiềm tàng trên đường phượt và có thể ập tới bất cứ khi nào như: tai nạn giao thông rình rập; vấn đề về thể lực, sức khỏe; các mối lo khi “ăn bờ ở bụi”... Do đó, việc cẩn thận không bao giờ là thừa!

Đáng chú ý, đối với những chuyến du lịch mạo hiểm như chèo thuyền kayak, trekking, leo núi, đạp xe mạo hiểm... với bản chất chính là các môn thể thao nên đòi hỏi sự nhanh nhẹn, sức bền và kỹ năng xử lý tình huống của người tham gia. Riêng đối với trekking lại cần có những quy tắc nhất định, từ việc kết nối, giữ liên lạc giữa các thành viên... nếu không, tình trạng mất tích rất dễ xảy ra.

Trưa 12-5 vừa qua, du khách Thi An Kiện đã mất tích khi đang cùng nhóm 7 người chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Sau đó, cả nhóm đã tổ chức tìm kiếm bạn đồng hành nhưng không có kết quả. Được biết, khoảng 100 người đã tham gia tìm kiếm người mất tích, các hội nhóm, bạn bè của du khách Thi An Kiện và những người đam mê du lịch mạo hiểm đã ngày đêm huy động, kêu gọi thêm người tìm kiếm.

Lực lượng cứu nạn chia ra nhiều nhóm tìm kiếm tất cả khu vực, một số nhóm tìm kiếm cả ban đêm. Mặc dù vậy, điều đáng tiếc đã xảy ra, sau 8 ngày tìm kiếm, chiều 20-5, thi thể nam phượt thủ mất tích khi leo Tà Năng - Phan Dũng được tìm thấy. Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công an huyện Tuy Phong và Viện Kiểm sát khám nghiệm tử thi, sau đó mới đưa thi thể nạn nhân về với gia đình.

Du lịch có trách nhiệm

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Ốc Sên mạo hiểm cho rằng, du lịch mạo hiểm đòi hỏi nhiều yếu tố. Đầu tiên, những người tham gia cần phải tìm hiểu rõ thông tin, tuyến điểm, cung đường, độ cao. Trên cung đường đó ngoài yếu tố tự nhiên cần nắm được địa hình, diện mạo, dòng chảy, suối, hồ, những cung đường nào độ an toàn cao... để khi xảy ra sự cố còn cứu hộ được.

Bên cạnh đó, sức khỏe chính là yếu tố quyết định một người có thể tham gia chuyến du lịch khá mạo hiểm hay không. Sự chuẩn bị của du khách không chỉ về mặt thể chất, mà còn ở tinh thần, các vật dụng cần thiết mang theo như: thuốc uống, lương khô, nước mang bao nhiêu là đủ; gậy trekking, quần áo, mũ...

Để đảm bảo an toàn trên những cung đường hiểm trở, theo ông Nguyễn Văn Tuyên, trước hết những người trẻ chọn những cung đường phượt hay những chuyến du lịch mạo hiểm không nên đi theo kiểu tự phát, đi theo đồn thổi hay đi chỉ để đưa lên facebook. Cần đi có tổ chức, cần có trưởng nhóm phải là người có kinh nghiệm, thông thạo địa hình hoặc đặt tour thông qua các đơn vị lữ hành uy tín.

Khi chọn tham gia bất cứ chuyến đi nào, du khách cần phải có những trang thiết bị an toàn, trong nhóm phải có người biết cách sơ cấp cứu, khi cần cứu trợ phải biết gọi cho trung tâm y tế gần nhất.

Những tình huống đáng lo ngại, những tai nạn xảy đến với du khách trong thời gian gần đây gióng lên một hồi chuông du lịch có trách nhiệm. Vai trò của chính quyền nơi có điểm đến hấp dẫn cần được nâng cao hơn nữa trong công tác tuyên truyền, định hướng.

Cụ thể, địa phương có thể đưa ra khuyến cáo có bao nhiêu dòng thác; thời tiết, mùa lũ bắt đầu từ bao giờ và kéo dài đến khi nào, thời điểm nào không nên vượt thác; khi cần cứu hộ có thể gọi cho những ai... Chính quyền địa phương cần phối hợp với người dân, đơn vị lữ hành, du khách, tổ chức đào tạo cho người dân về du lịch cộng đồng, đảm bảo an toàn cho chính họ và du khách đến tham quan.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Công ty TNHH Du lịch Ốc Sên mạo hiểm chia sẻ quan điểm, du lịch có trách nhiệm trước hết là du khách phải có trách nhiệm với an toàn của chính họ, du khách không chạy theo trào lưu và cần trau dồi và học hỏi; việc du khách dễ dãi tới không màng đến nguy hiểm của bản thân nằm ngủ trên đường đèo hay xả rác bừa bãi tại điểm du lịch có thể gây nhiều hệ lụy.