Đến năm 2030, trường học ở Hà Nội vẫn quá tải

ANTD.VN - Thiếu trường học tại thời điểm hiện tại với Hà Nội là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì dự báo cho thấy, Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục thiếu trường.

Dự báo này được đưa ra trong rất nhiều buổi làm việc của Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã như Đống Đa, Thường Tín, Ba Vì, Hà Đông, Đông Anh, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Sơn Tây... về quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Không khéo lại phải di dân như phố cổ

Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, hiện quận Đống Đa có dân số trên 410.000 người. Dân số cơ học tăng nhanh, các khu chung cư cao tầng mới đồng nghĩa với thêm người ở dẫn đến thiếu trường học, sĩ số học sinh/lớp còn vượt quy định. Ông Phan Hồng Việt cũng cho biết, quỹ đất mở rộng trường, xây mới trường của quận này rất khó khăn trong khi nhiều trường diện tích không lớn, lại nằm sát nhà dân, không mở rộng được.

Ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh, đất không tăng nhưng dân tăng đột biến: “Quy hoạch đến năm 2020 của Đống Đa dành cho số dân ở thời điểm 2010, vì thế  so với thực tế sẽ luôn bất cập. Đáng lo nhất hiện nay ở quận Đống Đa là còn 3 phường không có trường tiểu học và THCS đó là phường Quốc Tử Giám, Khâm Thiên, Ngã Tư Sở”.

Tương tự, quận Hà Đông cũng rơi vào tình trạng gia tăng dân số cơ học quá nhanh gây ra áp lực lớn về hạ tầng xã hội trong đó có trường học. “Đây là vấn đề của thành phố, nếu không làm tốt sẽ lại phải di dân Hà Đông như di dân phố cổ” - một thành viên thường trực HĐND TP lo lắng. Bên cạnh đó, quy định 1 phường có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập trở lên đối với ngoại thành thì phù hợp nhưng đối với nội thành thì không ổn chút nào bởi ở những khu đô thị mới, dân số sẽ tăng rất mạnh.

Ngoại thành cũng khan hiếm đất xây trường

Ba Vì là huyện có nhiều trường học nhất trong số 30 quận, huyện của Hà Nội. Ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng GD-ĐT Huyện Ba Vì cho biết, trước khi sáp nhập, huyện đã được đầu tư xoá 617 phòng học cấp 4, cộng với kinh phí địa phương đã xóa được hơn 700 phòng. Tuy nhiên, do nhu cầu học tập tăng, hiện tại còn 118 phòng học cấp 4, 69 phòng học tạm, 51 phòng học nhờ.

“Dân số tăng tự nhiên, dự báo đến năm 2030, huyện có khoảng 310.000 người. Quy hoạch mạng lưới trường học cần điều chỉnh vì mới chỉ xác định từ nay đến năm 2030 đủ phòng học cho học sinh. Việc xây dựng, cải tạo trường học chưa nghĩ tới quy hoạch đất có bể bơi, sân bãi hiện đại” - ông Lê Ngọc Tôn cho biết. 

Tương tự, huyện Thường Tín cũng gặp vấn đề về tăng dân số cơ học khiến diện tích đất nhiều trường học không đảm bảo. Công tác quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Các trường được đầu tư chỉ xây mới một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ, do đó diện tích các phòng học phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng yêu cầu hiện nay. Huyện Đông Anh cũng phản ánh mạng lưới các trường mầm non của huyện hiện bị phân tán.

Có 4 trường có từ 5 điểm trường trở lên. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn xã Kim Chung có KCN Bắc Thăng Long với 2.500 công nhân/37.500 người dân đang sinh sống và làm việc nên nhu cầu học tập rất lớn. “Huyện rất cần sự quan tâm của thành phố xây thêm 1 trường tiểu học, 1 trường THCS tại xã Kim Chung để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân”  - lãnh đạo huyện cho biết.

“Mức tăng dân số ở cả 30 quận, huyện của Hà Nội đều rất lớn nên nhiều trường công lập ở một số quận có sĩ số học sinh trên lớp vượt quy định như Cầu Giấy bình quân gần 61 trẻ/lớp ở bậc Mầm non, Tiểu học là 56 học sinh/lớp. Trước thực tế này, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất, UBND TP sớm có quyết định phê duyệt điều chỉnh và bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Ông Nguyễn Hữu Độ (Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội)