Đẩy ngã người khác dẫn đến tử vong phạm tội gì?

ANTD.VN - Trong lúc vào can 2 người xô xát, em trai tôi bị một người đẩy ngã dẫn đến tử vong. Xin hỏi luật sư, hành vi của người khiến em tôi thiệt mạng phạm tội gì? Mức hình phạt thế nào và việc tính toán bồi thường dựa vào đâu? Trần Việt Đức (Hà Tĩnh)

Luật sư Giang Hồng Thanh (VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời: 

Đầu tiên cần phải xác định ý thức chủ quan của người xô ngã em trai bạn là gì, chẳng hạn như bực tức vì bị em bạn xen vào cuộc nên đẩy cho em bạn ngã hay chỉ là không muốn em bạn chấm dứt việc xô xát nên đẩy em bạn ra ngoài khiến em bạn bị ngã…

Nếu thuộc trường hợp thứ nhất, người xô ngã em bạn có lỗi do cố ý thì người này có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích", theo khoản 3, Điều 104 - BLHS năm 1999. Theo đó, "phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31-60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a-k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 5-15 năm".

Nếu người xô ngã em bạn có lỗi do vô ý, anh ta có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người", theo khoản 1, Điều 98 - BLHS và hình phạt của tội danh này là phạt tù từ 6 tháng-5 năm… Như vậy, tùy thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng khi làm rõ ý thức chủ quan của người xô ngã em trai bạn và người đó có thể bị khởi tố về một trong hai tội nêu trên.

Nếu người xô ngã có lỗi do vô ý, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người”

Về trách nhiệm dân sự, trong trường hợp này gia đình bạn có thể yêu cầu người gây ra cái chết cho em trai bạn bồi thường những khoản gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc em trai bạn trước khi chết; thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian em trai bạn điều trị; chi phí cho người chăm sóc em trai bạn trong thời gian em trai bạn điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà em trai bạn nếu còn sống phải có nghĩa vụ cấp dưỡng họ.

Đó là vợ không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình; con dưới 18 tuổi; cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình… Và sau cùng là khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm cho hàng thừa kế thứ nhất của em trai bạn với mức tối đa không quá 100 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.