Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em:

Dạy con "lớn lên an toàn"

ANTD.VN - Tạo ra nhận thức của cộng đồng để mọi người cùng nhận thức và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là chủ đề của Dự án “Lớn lên an toàn” vừa ra mắt tại Hà Nội. 

Dạy trẻ những kiến thức về giới tính và chống xâm hại từ sớm để tăng cao hiệu quả phòng ngừa

Lâu nay ở Việt Nam, vấn đề giới tính, tình dục vẫn luôn là chủ đề nhạy cảm, thậm chí là cấm kỵ trong gia đình và nhà trường. Nói chuyện với trẻ về những chủ đề này được xem là “vẽ đường cho hươu chạy”. Do đó, dự án hướng tới mục tiêu thay đổi hoàn toàn quan niệm sai lầm này.

Vẽ đường cho hươu chạy đúng

Suốt 8 năm làm việc trong các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ trẻ em, anh Nguyễn Văn Công- người sáng lập dự án trăn trở: “Việc phòng chống xâm hại trẻ em phải được tổ chức thành hoạt động chuyên nghiệp, huy động từ rất nhiều nguồn lực cộng đồng thì mới có giá trị, còn một cá nhân thì rất khó”.

Tháng 6-2016, anh cùng nhiều bạn bè chung tay xây dựng Dự án phi lợi nhuận “Lớn lên an toàn”. Dự án ngay lập tức bắt tay vào việc tổ chức các lớp học với nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại tình dục… được thiết kế theo phương pháp có sự tham gia của trẻ em và các buổi trò chuyện chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Trong ấn tượng của anh Công về chuyến công tác giảng dạy đầu tiên, các em học sinh ở trường dân tộc nội trú thật hồn nhiên, vô tư. Trường dân tộc nội trú Na Hang có nhiều em đến từ 5- 7 các dân tộc khác nhau học chung một lớp.

“Lớn lên an toàn” vừa hoàn thiện một game giáo dục giúp trẻ em biết được các vùng cấm trên cơ thể và 3 phản ứng then chốt nếu trong tình huống bị xâm hại: hét to - bỏ chạy - kể lại. 

Sự đa dạng văn hóa này vừa là niềm hứng thú, vừa là một cái khó cho các tình nguyện viên. Một số em không nói sõi tiếng Kinh nên các thông điệp, kiến thức “Lớn lên an toàn” không nặng về ngôn ngữ, chủ yếu được trẻ tiếp thu và ghi nhớ thông qua các hoạt động trò chơi như nặn tượng, vẽ tranh, gắn thẻ màu…

Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ em có rất nhiều vấn đề về cơ quan sinh dục mà các em không hay biết. Ví dụ ở nam giới: tinh hoàn ẩn, bao quy đầu không mở mà hẹp rất ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản…  “Lớn lên an toàn” mượn biểu tượng của đèn giao thông: đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng để dạy các bé vùng cấm trên cơ thể. 

Cần làm gì để trẻ lớn lên an toàn?

Th.s Nguyễn Quốc Long, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em đã thực hiện trên 1.000 ca tham vấn về vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục cho biết: “Trước đây, khi chúng tôi nói về vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở các địa phương, họ không muốn công bố tình trạng trẻ em bị xâm hại với các cơ quan báo chí, với các tổ chức phi chính phủ. Vì họ sợ tỉnh, huyện của họ mất thành tích thi đua, không muốn mất hình ảnh về điểm du lịch”. 

Đặc biệt đối với trẻ em tại các điểm du lịch, các vùng dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi hiện còn đối mặt với nguy cơ cao từ trào lưu du lịch tình dục. Một số khách nước ngoài và Việt Nam khi di chuyển từ điểm này sang điểm kia đã có hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở các hình thức khác.

 “Lớn lên an toàn” hiện đang được triển khai ở 5 tỉnh: Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Hải Phòng nên nguồn kinh phí này và nhân lực hiện tại vẫn còn hạn hẹp bởi khối lượng công việc quá lớn. “100% những người của dự án làm bán thời gian không vụ lợi, toàn “chạy” bằng cơm nhà” - anh Công chia sẻ.

Trang bị kiến thức toàn diện cho trẻ em là cách bảo vệ trẻ hiệu quả hơn mọi lời cảnh báo. Nhưng tự nhiên nói với con thế nào là tình dục, thế nào là xâm hại rất khó. Anh Công muốn ứng dụng công nghệ - sản phẩm không có biên giới - dạy các em tốt hơn: “Bố hoặc mẹ cùng con chơi một  trò chơi, con sẽ hỏi tại sao như thế, thì sẽ có cầu nối để nói dễ dàng”. “Lớn lên an toàn” vừa hoàn thiện một game giáo dục giúp trẻ em biết được các vùng cấm trên cơ thể và 3 phản ứng then chốt nếu trong tình huống bị xâm hại: hét to - bỏ chạy - kể lại. 

Theo chị Lưu Ngọc Thúy: “Đối với bậc phụ huynh, vấn đề xâm hại tình dục nếu mất bò mới lo làm chuồng thì quá muộn,  điều quan trọng là phải phòng tránh để việc đó không xảy ra. Chúng ta cần có một môi trường an toàn cho con, chính mỗi chúng ta là một viên gạch tạo ra môi trường ấy”.

Cha mẹ hãy dành thời gian giao tiếp, trò chuyện với con ngay từ khi còn bé về cách bảo vệ an toàn cho bản thân, xây dựng sức mạnh tự cường trong con; cách tránh xa những thủ đoạn của kẻ xâm hại. Khi xã hội có đầy đủ nhận thức về  tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, các đối tượng sẽ không còn cơ hội để thực hiện ý đồ xấu.