Đau đáu nỗi lo đuối nước mùa hè

ANTD.VN - Mùa hè đến là thời điểm từ người lớn đến trẻ nhỏ đều thích thú khi được thả mình xuống làn nước mát ở những khu vực sông, hồ, bể bơi. Tuy nhiên, vì chưa có sự quản lý chặt chẽ cộng với sự thiếu kiến thức, kỹ năng đã khiến nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra.

Gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước mà nạn nhân là người lớn khi đi chơi, đi “phượt”, du lịch với bạn bè, gia đình.

Đuối nước tập thể vì tắm hồ khi đi “phượt”

Mới đây, ngày 28-5, tại hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã xảy ra một vụ đuối nước đau lòng khiến đôi nam nữ tử vong.

Vụ tai nạn đuối nước thương tâm tại Sóc Sơn

Vì có quan hệ quen biết nên nhóm bạn rủ nhau đi chơi vào ngày cuối tuần tại huyện Sóc Sơn. Trưa ngày 27-5, khi đi qua đập Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nhóm thanh niên rủ nhau xuống hồ tắm. Tuy nhiên, chỉ có anh Bùi Văn T. và chị  Đinh Tuyết M. xuống tắm.

Khi xuống tắm, anh T. biết bơi nên bơi ra trước, còn chị M. không biết bơi nên dùng phao ôm (loại phao dành cho trẻ em), tải trọng khoảng 10kg bơi phía sau. Bơi được một lúc, chị M. bị tuột khỏi chiếc phao và chìm xuống nước. Anh T. thấy vậy quay lại cứu chị M. nhưng không cứu được, do nước quá sâu, khiến cả hai cùng tử vong. Sáng ngày hôm sau, thi thể đôi nam nữ được phát hiện trong tư thế tay nắm chặt tay nhau, khiến người dân và gia đình vô cùng xót xa.

Theo người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội kể lại, cách đây hơn một năm, một nhóm thanh niên 8 người gồm 6 nam và 2 nữ đi phượt, sau khi leo núi cả nhóm xuống khu vực đầm Long Vân, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức tắm.

Tuy nhiên, ít phút sau đó, một trong số các thanh niên là anh Ngô Quang Tr, (17 tuổi, trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) bị chuột rút dẫn đến đuối nước. Bạn của nạn nhân cũng xuống ứng cứu nhưng do nước quá sâu nên bất lực. Phát hiện kêu cứu, người dân trong khu vực vội chạy ra cứu vớt nhưng nam thanh niên đã tử vong ngay sau đó.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc đuối nước thương tâm khi những bạn thanh niên đi chơi cùng bạn bè rồi rủ nhau xuống hồ, sông để tắm. Điều này, đã báo động tình trạng đuối nước tại các bãi tắm tự phát.

Chị Nguyễn Thị Thúy Quyên (25 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, mình cũng thường xuyên tham gia các chuyến đi du lịch cùng bạn bè tại các các vùng ngoại thành. Thi thoảng vì thời tiết nắng nóng, gặp hồ nước nhóm cũng rủ nhau xuống tắm, mặc cho giữa hồ có biển “cấm tắm, nước sâu”. Vì không trang bị áo phao, cũng như không khởi động kỹ trước khi xuống tắm nên chỉ bơi được một lúc mình đã bị chuột rút. Rất may, được các bạn cứu giúp kịp thời nên thoát nạn. Nghĩ lại vẫn thấy hoảng sợ”.

Ẩn họa từ những bãi tắm tự phát

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây do thời tiết của Hà Nội và các tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, vì vậy vào các buổi chiều tại một số sông, hồ ở Hà Nội người lớn, trẻ nhỏ đua nhau đi tắm.

Nhiều người dân vô tư bơi lội ở hồ Tây không trang bị áo phao

Tại hồ Tây, những bến ven Công viên nước Hồ Tây người dân tập trung khá đông đến tắm. Đây là địa điểm tắm thường xuyên nhiều năm nay của những người yêu thích bơi lội ở Hà Nội trong những ngày hè nắng nóng. Phao bơi được tận dụng từ can nhựa, săm xe ô tô… Cứ vào khoảng 16h chiều, khi nhiệt độ ngoài trời hạ bớt, người lớn và trẻ nhỏ lại đưa nhau ra đây hòa mình trên "bãi biển" Hồ Tây để giải nhiệt.

Đi dọc sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì vào buổi chiều bất kể chỗ nào cũng có thể biến thành bãi tắm. Như đoạn sông Hồng dưới gầm cầu Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã trở thành bãi tắm thu hút nhiều người đến thời gian qua.

Bất chấp những cảnh báo về tai nạn đuối nước, nhiều trẻ em, người già không có áo phao cũng lao mình xuống sông tắm. Nhiều hộ dân ở quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, thậm chí có cả người tận mạn Cầu Giấy, Thanh Xuân… cũng kéo đến tắm.

Vì cái nóng mà được tắm miễn phí, hòa mình với thiên nhiên… tất cả là những lý do để mọi người quên đi bao sự nguy hiểm, ẩn họa để cùng lao mình xuống sông Hồng. 

Không chỉ vậy, tại các khu vực ngoại thành nơi có nhiều điểm du lịch dã ngoại, có rất nhiều sông, hồ nước trong, mát thu hút người dân tới tắm, bơi lội. Cũng vì vậy, nhiều thanh niên sau khi đi chơi cùng bạn bè đã rủ nhau xuống bơi cho mát dẫn đến nhiều vụ việc đuối nước.

Điều đáng nói ở đây chính là ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình và con em. Rất nhiều trường hợp không biết bơi vẫn cho con em đi tắm ở những vùng nước sâu. Hoặc chủ quan vì biết bơi mà không tuân thủ đúng các nguyên tắc vận động trước khi bơi thậm chí coi thường, phớt lờ các cảnh báo nguy hiểm.

Theo các chuyên gia y tế, nếu không biết bơi thì việc gặp tai nạn khi tham gia các hoạt động dưới nước rất dễ xảy ra. Dạy kỹ năng bơi cho trẻ và người lớn là câu chuyện bắt buộc.

Thiếu sự quản lý chặt chẽ

Các trường hợp xảy ra đuối nước hiện nay có tỉ lệ nạn nhân là trẻ em chiếm số lượng lớn, tuy nhiên, vì yếu tố tâm lý nên nhiều người lớn đã chủ quan không trang bị các kỹ năng sinh tồn dẫn đến tai nạn đuối nước.

Người dân phớt lờ biển cấm tắm

Tại các bãi tắm tự phát, các khu vực hồ nước trong, các sông hầu hết cơ quan quản lý mới chỉ cắm biển “Hồ nước sâu”, “Cấm tắm”… mà không có bất kỳ một biện pháp mạnh nào để ngăn ngừa. Nhưng hầu như tất cả những tấm biển này trở nên vô hình, người dân vẫn vô tư tắm, bơi lội, vui chơi ở đây thậm chí nhiều người còn bơi ra rút bỏ tấm biển.

Tại các bãi tắm tự phát ở sông Hồng hầu như không có ai quản lý việc người dân ra đây tắm. Có những điểm được những người quản lý nhắc nhở không cho tắm, nhưng sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, người dân lại quay lại tắm như không có gì.

Theo các chuyên gia, trước thực trạng đáng báo động này, bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các bậc làm cha, làm mẹ cần quản lý và chăm sóc con cái mình cẩn thận hơn, đừng thờ ơ với nguy cơ tiềm ẩn rình rập nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.