Đắp cao trầu không làm đẹp da, một phụ nữ 45 tuổi hỏng toàn bộ da mặt

ANTD.VN - Những ngày đầu sử dụng cao trầu không để đắp lên da mặt, làn da của chị N.T.V (45 tuổi, ở Bắc Ninh) trắng sáng lên trông thấy, thế nhưng sau một tháng thì cả gương mặt chị đỏ lựng, sắc tố da biến đổi loang lổ, phải nhập viện điều trị…

Sau gần 1 năm điều trị, gương mặt chị V mới hồi phục được khoảng 40%

ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khoảng 2-3 năm trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca vào điều trị vì biến chứng tổn thương da sử dụng cao trầu không để trị nám hoặc làm trắng da.

Đặc biệt, bệnh viện đang điều trị cho một trường hợp bị tổn thương da mặt rất nặng nề do nguyên nhân này. Bệnh nhân là chị N.T.V (45 tuổi, ở Bắc Ninh), nhập viện với gương mặt loang lổ như “bản đồ”, sắc tố da bị biến đổi nghiêm trọng, chỗ thì đỏ lựng lên, chỗ thì đen sạm lại.

Qua hỏi bệnh, các bác sĩ được biết, trước đó, vì nghe theo lời mách bảo của bạn bè, chị V. đã sử dụng cao trầu không (được chiết xuất từ lá trầu không) để “đắp mặt nạ” nhằm trị nám và làm đẹp da mặt.

Thời gian đầu sử dụng, chị cảm nhận làn da của mình trắng sáng lên trông thấy nên càng tin tưởng. Thế nhưng sử dụng liên tục được khoảng 1 tháng, chị bắt đầu cảm thấy da mặt nóng rát, đỏ lựng lên, bốc hỏa tại vùng mặt; đồng thời các vết sạm nám không những không mờ đi mà còn lan xuống phía cằm, trở nên sậm màu hơn.

Lo lắng, chị hỏi lại người bán sản phẩm cho mình thì được tư vấn các triệu chứng mà chị gặp phải chứng tỏ các hoạt chất trong cao đã bắt đầu có tác động đến da nên cần kiên trì sử dụng thêm một thời gian nữa sẽ có hiệu quả tốt nhất.

Chị V. tiếp tục sử dụng cao trầu không bôi lên mặt thêm một thời gian ngắn nữa nhưng các triệu chứng loang lổ da mặt càng gia tăng. Gương mặt bị biến đổi thê thảm khiến chị V. luôn trong tình trạng căng thẳng và phải đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường để tránh sự chú ý của mọi người.

Cuối cùng, chị phải đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám. Lúc này, da của chị được chẩn đoán là rối loạn sắc tố, gây ra hiện tượng “mặt bản đồ”, nguyên nhân đến từ việc tùy tiện sử dụng mỹ phẩm làm đẹp.

Bác sĩ Vũ Thái Hà cho biết – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này cho biết, với trường hợp của bệnh nhân V., làn da loang lổ do sắc tố da bị biến đổi, chỗ thì bị mất sắc tố khiến da đen sạm đi nhưng chỗ thì lại bị tăng sắc tố khiến da đỏ lựng lên, chuyển màu.

Về phương pháp điều trị cho chị V., các bác sĩ phải tiến hành các biện pháp nhằm phục hồi sắc tố da, điều trị mất sắc tố trước, sau đó mới chuyển sang giai đoạn điều trị ức chế các vết sạm nám trên gương mặt.

Đến nay, sau gần một năm kiên trì điều trị, các đốm trắng trên da của bệnh nhân V. đã hoàn toàn biến mất, nhưng phần sạm nám chỉ có thể giảm được 40%. Nhiều khả năng làn da mặt của bệnh nhân khó trở lại được tình trạng ban đầu. 

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, hiện trong dân gian không chỉ truyền miệng các phương pháp trị nám da bằng lá trầu không mà trên thị trường còn có rất nhiều sản phẩm cao trầu không, bột trầu không được rao bán, quảng cáo có rất nhiều tác dụng…

Tuy vậy, người dân không nên sử dụng tùy tiện theo các phương pháp này bởi trong lá trầu không có chứa chất gây độc tế bào da nhất thời. Theo bác sĩ Hà, nếu sử dụng cao trầu không trong thời gian ngắn rồi dừng lại ngay thì có thể cải thiện được tình trạng sạm nám da, tuy nhiên nếu để kéo dài sẽ gây độc cho tế bào da, điều trị rất khó khăn.