Danh sách những nước châu Âu nhận lao động phổ thông Việt Nam

ANTD.VN - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Gia Liêm khuyến cáo, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.

Danh sách những nước châu Âu nhận lao động phổ thông Việt Nam ảnh 1

Hiện nay, chỉ có 9 quốc gia khu vực châu Âu tiếp nhận lao động phổ thông của Việt Nam

Nhiều nguy cơ rình rập

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có trao đổi với báo chí liên quan đến những rủi ro tiềm ẩn đối với người lao động khi cư trú bất hợp pháp.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Gia Liêm, hoạt động di cư quốc tế của công dân Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh mẽ với hàng triệu lượt người xuất nhập cảnh mỗi năm, hiện diện trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các cơ hội cũng như lợi ích của việc di cư an toàn, hợp pháp chưa được người di cư đánh giá đúng mức.

Ở Việt Nam việc di cư ra nước ngoài có nhiều hình thức khác nhau như: Ra nước ngoài để làm việc (di cư lao động), ra nước ngoài để du học (di cư học tập), đi du lịch, đi thăm thân. Căn cứ vào mục đích mà mỗi hình thức ra nước ngoài đều có những yêu cầu, điều kiện hoàn toàn khác  nhau.

Việc công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết về văn hóa, tập quán của nước đến, không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.

Ngoài ra, do công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà họ đến làm việc nên trong trường hợp gặp khó khăn, có phát sinh các vụ việc trong thời gian cư trú và làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ rất khó tiếp cận, nắm bắt tình hình, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

9 quốc gia tiếp nhận lao động phổ thông

Cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu lao động châu Âu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho biết, người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các hình thức sau: Thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động hoặc người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cá nhân.

Hiện nay Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungari có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD;

Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD; Cộng hòa Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD; Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD; Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD; Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD.

Các thị trường này có mức lương dao động từ 360-580 EUR/ tháng.

Ông Nguyễn Gia Liêm cũng lưu ý, nếu người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cá nhân thì phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở LĐ-TB&XH, được Sở LĐ-TB&XH các địa phương thẩm định và chấp thuận.

Trong trường hợp, lao động đang làm việc ở nước ngoài nếu cần sự giúp đỡ thì liên hệ với Cơ quan đại diện (Đại sứ quán/ Ban Quản lý lao động) Việt Nam ở nước sở tại; Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao (đường dây nóng bảo hộ công dân); Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH.