“Đánh bật” nguy cơ lú lẫn

ANTĐ - Những năm trở lại đây, Alzheimer không còn là căn bệnh của riêng người già, mà đáng lo ngại hơn, nó đã xuất hiện ở lứa tuổi 30. Tuy nhiên, có nhiều cách để bạn phòng chống được căn bệnh nguy hiểm này

“Đánh bật” nguy cơ lú lẫn ảnh 1

Ăn nhiều rau quả

Một nghiên cứu với 1.836 người già ở Nhật Bản và Mỹ cho thấy việc ăn rau quả hàng ngày có liên quan mật thiết với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Các loại rau xanh là nguồn cung cấp dồi dào vitamin E, chất dinh dưỡng chủ chốt để ngăn chặn tình trạng lão hóa ở não. Vitamin E trong thực phẩm có thể cắt giảm đến 45% nguy cơ mắc Alzheimer và 25% chứng mất trí nhớ.

Thêm một nguồn giàu vitamin E cho não bộ. Cứ 28g hạt hướng dương chứa khoảng 7,3mg vitamin E, và chúng ta cần 19mg vitamin E/ngày.

Cá hồi

Loài cá nước lạnh này rất giàu axít béo omega-3. Nghiên cứu mới đây phát hiện ăn cá hồi hấp hoặc nướng ít nhất 1 lần trong tuần có thể giúp giảm được nguy cơ mất trí nhớ và Alzheimer. Các chuyên gia phát hiện loại omega-3 giúp tăng cường kích thước của tế bào não. Cần lưu ý hạn chế ăn cá rán, vì phương thức chế biến này không tốt như hấp và nướng.

Dầu ô liu

Ngoài mang lại ích lợi cho tim mạch, dầu ô liu cũng hỗ trợ não bộ với hợp chất gọi oleocanthal, giúp các khớp thần kinh chạy trơn tru nhằm ngăn chặn tình trạng hủy hoại tế bào thần kinh có liên quan đến chứng Alzheimer.

Củ cải đường

Loại củ ngọt tự nhiên này có thể cung cấp nitrate, với công dụng mở rộng mạch máu giúp tăng cường sự lưu thông của máu và ôxy đến não, bảo vệ trí nhớ cho bạn và đánh bật nguy cơ bị lú lẫn.

Tập thể dục thường xuyên

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn uống và tập thể dục có ảnh hưởng đối với bệnh Alzheimer. Bạn nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục (aerobic, đi bộ, bơi lội, làm vườn...) và thực hiện khoảng 5 lần mỗi tuần sẽ giúp duy trì sức khỏe cho não bộ. Đối với những người trên 65 tuổi, thêm 2 - 3 buổi tập thể lực hàng tuần có thể cắt giảm nguy cơ bệnh Alzheimer xuống còn một nửa. 

Kích thích suy nghĩ

Nghiên cứu cho thấy việc giữ não hoạt động thường xuyên có tác dụng bảo vệ các tế bào não cũ, đồng thời tạo ra các tế bào não mới. Để bộ não hoạt động hiệu quả, hãy giải câu đố, chơi ô chữ hay Sudoku, đọc sách, viết văn...

Ngủ đúng và đủ

Một giấc ngủ đều đặn (ít nhất 8 giờ mỗi đêm) có thể giúp bộ não hoạt động tốt nhất. Giấc ngủ sâu đảm bảo cho sự hình thành và duy trì bộ nhớ. Để có giấc ngủ ngon, trước khi đi ngủ bạn có thể tắm nước nóng, tắt tivi, máy tính, điện thoại. Ánh sáng từ các thiết bị này sẽ phá hoại giấc ngủ. Nếu bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm, một giấc ngủ trưa chất lượng có thể giúp đỡ ít nhiều.

Kiểm soát stress

Căng thẳng có thể gây hệ lụy cho não, nó làm co rút một khu vực trong bộ nhớ chính được gọi là vùng hippocampus, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng tế bào thần kinh, làm tăng nguy cơ bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Kiểm soát căng thẳng bằng việc hít thở sâu để nâng lượng ôxy cho não. Ngoài ra, đi dạo, tập yoga, thiền... là những liệu pháp xoa dịu thần kinh hiệu quả và giúp lấy lại sự thanh thản một cách nhanh chóng.