Đã thấp thoáng Thiên Ngọc Minh Uy thế hệ II

ANTD.VN - “Mắc bẫy đa cấp, đòi tiền ở đâu?” là câu hỏi nhức nhối với khoảng 30.000 người tham gia Thiên Ngọc Minh Uy cho tới thời điểm doanh nghiệp này tự xin rút giấy phép (ngày 25-5).

Người lạ khó lọt qua hàng rào nhân bảo vệ của Thiên Ngọc Minh Uy nếu không có bảo lãnh (ảnh chụp ngày 25-4)

Theo tiết lộ của một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, con số  khoảng 30.000 người tham gia tại thời điểm Thiên Ngọc Minh Uy xin rút giấy phép hoạt động đã giảm rất nhiều so với trước đó, bởi từ khi hoạt động kinh doanh đa cấp bị siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, một số người đã xin rút, một số khác lại được Thiên Ngọc Minh Uy “trả quyền lợi”. 

Báo đài đã cảnh báo, vẫn nhiều người sập bẫy đa cấp

Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP về kinh doanh đa cấp, khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp có nghĩa vụ đảm bảo các quyền lợi của người tham gia. Nếu người tham gia đã nộp tiền vào công ty mà chưa được nhận hàng và công ty chưa thực hiện đủ nghĩa vụ, người tham gia có thể yêu cầu công ty thanh toán hoặc hoàn trả bằng tiền các nghĩa vụ mà công ty chưa thực hiện. Trong trường hợp công ty không còn khả năng thanh toán, nghĩa vụ với người tham gia được thực hiện bằng cách lấy khoản tiền ký quỹ tại các ngân hàng thương mại (tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, trên thực tế, người tham gia hệ thống đa cấp rất khó đòi quyền lợi bởi lẽ số lượng người tham gia rất lớn trong khi số tiền ký quỹ lại quá ít. “Trong mô hình hoạt động của doanh nghiệp đa cấp lừa đảo, biến tướng, người ta trả tiền hoa hồng rất cao cho những người đứng đầu, những “thủ lĩnh”, mà ai góp tiền vào cũng nhận lại hoa hồng ngay lập tức, kể cả chưa cần nhận hàng. Thế nên doanh nghiệp không có tiền để làm vốn. Khi gặp sự cố, “thủ lĩnh” chạy mất, người tham gia hệ thống đa cấp đến doanh nghiệp để đòi nhưng doanh nghiệp đâu có tiền mà trả”- vị chuyên gia phân tích.

Đồng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, đa số người tham gia đa cấp rất đáng thương nhưng cũng đáng trách. “Nếu các vụ việc đa cấp biến tướng, lừa đảo chưa phổ biến, chưa được tuyên truyền rộng rãi thì còn thông cảm được.

Nhưng vài năm gần đây, đã có quá nhiều vụ việc xảy ra, 50.000-60.000 người là nạn nhân mà vẫn thêm nhiều người dính vào. Doanh nghiệp hứa hẹn lợi nhuận đến 200% mà không phải làm gì, không dựa trên cơ sở nào thì không thể tin được”- ông Trương Thanh Đức nói. Cũng theo vị luật sư này, “người dân đã tham gia là chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”, không đòi được quyền lợi thì khiếu nại ra tòa” - ông Trương Thanh Đức thông tin thêm.

Thiên Ngọc Minh Uy sẽ “thoát xác”?

Trưa 25-4, trên fanpage có tên Thiên Ngọc Minh Uy đưa thông tin khẳng định doanh nghiệp này vẫn tồn tại. Theo đó, Thiên Ngọc Minh Uy sẽ tách mạng kinh doanh đa cấp ra một mảng riêng, là công ty con của Thiên Ngọc Minh Uy có tên là Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm.

Fanpage này cũng khẳng định, ở thời điểm này, “ai có mạng lưới thì vẫn làm bình thường; ai có khả năng bán lẻ thì bán lẻ thêm các sản phẩm ở hệ thống spa và trung tâm chăm sóc sức khỏe IE (bán lẻ truyền thống và ăn hoa hồng); ai có vốn và muốn làm thêm truyền thống thì đầu tư cùng công ty trong chuỗi spa và trung tâm IE... và Thiên Ngọc (“hậu duệ” của Thiên Ngọc Minh Uy) chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển”.

Trước thông tin này, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực này quá lỏng lẻo nên Thiên Ngọc Minh Uy có cơ hội “thoát xác”? Theo luật sư Trương Thanh Đức, các quy định liên quan đến lĩnh vực này từ cơ quan quản lý đã khá chặt chẽ và đầy đủ. Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Đức, “có biểu hiện cơ quan quản lý đã phớt lờ vi phạm của doanh nghiệp”.

“Thiên Ngọc Minh Uy bị phạt hơn 1 tỷ đồng hồi năm 2016 mà bây giờ người dân mới được biết. Lẽ ra khi thấy các biểu hiện này, cơ quan quản lý phải xử lý mạnh tay ngay nhưng lại buông lỏng nên ngày càng nhiều người dân dính vào bẫy đa cấp”- ông Trương Thanh Đức bình luận.

Liên quan đến việc Thiên Ngọc Minh Uy “thoát xác” có vi phạm pháp luật không, luật sư Trương Thanh Đức cho hay, nếu Thiên Ngọc Minh Uy chuyển toàn bộ hoạt động, mô hình sang doanh nghiệp mới thì cơ quan quản lý phải ngăn chặn ngay. Trong trường hợp doanh nghiệp mới hoạt động theo mô hình mới hoàn toàn, không dính líu đến Thiên Ngọc Minh Uy thì phải cấp phép cho họ theo quy định nếu họ đủ điều kiện.

“Nhưng cấp phép xong, Bộ Công Thương phải quản chặt từ đầu, không để doanh nghiệp luồn lách, biến tướng hoạt động ngoài khuôn khổ Nghị định 42/NĐ-CP và Luật Cạnh tranh. Giờ cơ quan quản lý không thể nói là đa cấp hoạt động tinh vi, nhiều thủ đoạn để lẩn tránh trách nhiệm được”- ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.