Đã sinh mổ, vẫn có thể sinh thường

ANTD.VN - “Nếu chọn sinh thường sau sinh mổ, nguy cơ vỡ tử cung cao”, chính vì quan niệm này mà nhiều bà mẹ “đâm lao phải theo lao” và vô tình đánh mất nhiều lợi ích từ sinh thường cho cả mẹ lẫn con.

Quan niệm đã sinh mổ thì phải tiếp tục sinh mổ trong những lần tiếp theo không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở cả những nước phát triển như Mỹ hay châu Âu. Một nghiên cứu năm 2013 của Mỹ chỉ ra rằng: Có đến 80% những người sinh mổ tiếp tục lựa chọn biện pháp này cho lần sinh nở tiếp theo. Quyết định này phần lớn được đưa ra bởi các thai phụ, nhưng cũng có trường hợp do chỉ định của bác sĩ.

Lý do được đưa ra giải thích cho việc này có khá nhiều, trong đó, đáng chú ý nhất là: vỡ tử cung. Thực chất, nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra bởi vì sự xuất hiện của sẹo ở tử cung do lần mổ trước khiến các cơ ở đây suy yếu. Trong khi đó, khi chuyển dạ, các cơn co thắt sẽ tạo áp lực lên vùng cơ này, dẫn đến bục vết mổ và tử cung bị vỡ. Khi đó, sức khỏe của mẹ, đặc biệt của con khó được bảo toàn. Ước tính của các cơ quan Y tế Mỹ cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ trong trường hợp này là 20-40%, còn tử vong con là 50-75%.

70% tỷ lệ sinh thường sau mổ thành công

Mặc dù nguy cơ vỡ tử cung là hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên, theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tỷ lệ này xảy ra ngày càng ít. Sở dĩ như vậy là vì so với trước đây, kỹ thuật mổ đẻ đã được cải tiến rất nhiều. Thay vì rạch dọc bụng, các bác sĩ đã thực hiện mổ ngang ở phía dưới bụng. Vết mổ này ít nguy hiểm hơn do ít chịu tác động của các cơn co thắt tử cung.

Thực tế, tại Việt Nam đã có không ít các bà mẹ đã vượt cạn thành công bằng phương pháp sinh thường sau sinh mổ. Tỷ lệ này ở Mỹ cũng lên tới 70%. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các mẹ đã sinh mổ thì có thể thoải mái sinh thường mà chẳng cần lo nghĩ gì. 

An toàn khi muốn thuận theo tự nhiên

Theo đó, bác sĩ Hồ Mai Hoa cho rằng, muốn an toàn cho cả mẹ và con trong lần sinh con thuận tự nhiên này, điều đầu tiên mẹ cần chú ý đó là khoảng cách giữa 2 lần sinh nở. Nếu khoảng cách giữa 2 lần gần nhau quá, vết mổ cũ chưa kịp phục hồi thì nguy cơ bục vết mổ, vỡ tử cung là rất lớn. 

Nhiều người cho rằng chỉ cần khoảng 2 năm là có thể tiếp tục mang thai, thế nhưng, bác sĩ Hoa nhấn mạnh, an toàn nhất phải là 5 năm. Cẩn trọng hơn, trước khi mang thai, bạn cần thực hiện siêu âm để kiểm tra tình trạng vết mổ. Vết sẹo này không đồng điệu với vết sẹo ngoài da nên không thể dựa vào nó để tiên liệu.

Ngoài yếu tố trên, bạn cũng chỉ nên lựa chọn sinh thường khi vết mổ cũ không có biến chứng gì. Nếu đã từng bị nhiễm trùng, bục, rách… thì đừng nên cố mạo hiểm. Các sản phụ trước đó sinh mổ liên quan đến bất thường thai nghén thì lần này cũng cần cẩn trọng. Những trường hợp đa thai, thai quá to, lưỡng đỉnh to… cũng không nên nỗ lực sinh thường.

Và cho dù tình trạng sức khỏe tốt, hai lần mang thai cách xa nhau, vết sẹo “đẹp”… thì cuối cùng, có nên sinh thường hay không vẫn phụ thuộc vào quyết định của bác sĩ trực tiếp theo dõi thai kỳ chứ chẳng phải ý muốn chủ quan của cá nhân.

Bạn cũng cần hiểu rằng quyết định này có thể thay đổi vào phút cuối, tức là cho dù trước đó, các bác sĩ nói rằng bạn hoàn toàn có thể sinh thường, nhưng đến lúc trở dạ, nếu sức khỏe của bạn không đảm bảo hoặc thai nhi có chuyển biến gì đó, họ thay đổi quyết định là điều bình thường. Thực tế, tại Mỹ, cũng có tới 30% số người phải sinh mổ sau khi nỗ lực sinh thường bất thành.

Vẫn theo bác sĩ Hoa, làm trái lời khuyên của các chuyên gia y tế, bạn có thành công, tuy nhiên, đó chỉ là may mắn mà thôi. Và nếu không được may mắn “ghé thăm” thì chuyện gì sẽ xảy ra? Do đó, đừng nên mạo hiểm tính mạng của mình và của con.