Cuối năm đề phòng cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh

ANTD.VN -“Dù có trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy hiện đại đến mấy, song ý thức người dân, chủ cơ sở chưa cao thì cũng bằng thừa, bởi sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào”- Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 13 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết.

Cháy nổ diễn biến khôn lường

Trong mùa hanh khô và dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ. Nguyên nhân do số lượng sản phẩm, hàng hóa tập kết lớn phục vụ nhu cầu, thị trường dịp Tết Nguyên đán, công nhân tăng ca, tăng giờ lao động khiến cho nhiều hoạt động trong nhà máy, cơ sở bị quá tải về thiết bị điện sản xuất và sinh hoạt. Trong khi đó, ý thức của người dân, của chủ cơ sở chưa cao, xử lý rác thải hoặc sử dụng nguồn lửa trên còn bừa bãi tại nơi sản xuất. Do vậy nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hiện trường vụ cháy tại một nhà xưởng thuộc làng nghề La Phù, Hoài Đức

Chỉ trong những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 101 vụ cháy, trong đó có 1 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 18 vụ cháy trung bình, 71 vụ cháy nhỏ, 5 vụ cháy rừng, ngoài ra còn có 41 vụ chập điện trên cột, 44 vụ cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Thiệt hại do cháy chỉ riêng trong tháng 12 làm 1 người chết, 1 người bị thương nhẹ, thiệt hại tài sản trị giá hàng tỷ đồng. Đáng lưu ý, vụ cháy xảy ra ngày 2-12-2016 tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Thanh Trì thiêu rụi trên 1.000m2 nhà xưởng và sản phẩm hàng hóa tại đây.

Trong vụ này, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội phải điều động 15 xe chữa cháy, xe chuyên dụng tổ chức chữa cháy, dập tắt. Thiệt hại về tài sản ước tính lên đến khoảng 115 tỷ đồng. 

Lực lượng cứu hỏa mở nhiều mũi tiếp cận lửa tại làng nghề La Phù

Chỉ sau đó 1 ngày, siêu thị điện máy, điện lạnh của Công ty TNHH & Xây dựng thương mại Minh Hải (tại ngã tư Xuân Mai, đường Hồ Chí Minh, huyện Chương Mỹ) xảy cháy. Cảnh sát PC&CC phải điều 9 xe chữa cháy và xe chuyên dụng phối hợp với các lực lượng khác tới hiện trường tổ chức chữa cháy. Trong vụ cháy này, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 11 tỷ đồng.

Ít ngày sau, tối 6-12-2016, xưởng sản xuất sơn của Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu và xưởng len sợi của Công ty TNHH Nam Việt (thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức) lại xảy cháy. 15 xe chữa cháy, xe chuyên dụng được điều động đến hiện trường, nhưng thiệt hại về tài sản cũng lên đến khoảng 70 tỷ đồng.

Gần đây nhất, rạng sáng 27-12-2016, Phòng Cảnh sát PCCC số 5 nhận được tin báo cháy tại Nhà xưởng Công ty TNHH Thương mại Minh Tâm (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh). 8 xe chuyên dụng của Phòng Cảnh sát PCCC Số 5 và Phòng Cảnh sát PCCC Số 6 được huy động cứu chữa.

 Nguyên nhân phần lớn do bất cẩn

Theo kết luận từ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, vụ cháy nhà xưởng vừa qua tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Phú Hưng thì nguyên nhân đã quá "quen thuộc": Do thi công hàn cắt.

Hiện trường vụ cháy Cụm Công nghiệp Ngọc Hồi, Thanh Trì

Còn vụ cháy ở Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu và xưởng len sợi của Công ty TNHH Nam Việt, nguyên nhân còn “vô lí” hơn là do... đốt rác gây nên. Ý thức tập kết rác không đúng nơi quy định, ý thức tiêu hủy rác càng sai… có thể thiêu rụi nhà xưởng hàng nghìn mét vuông.

Một số vụ cháy xác định nguyên nhân do chập điện, mà sâu xa hơn là do chủ cơ sở đã không chú trọng đến việc kiểm tra an toàn đối với các hệ thống điện, vật liệu dễ cháy liên quan đến công tác PCCC.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phụ trách 2 quận Đống Đa và Ba Đình, việc hàn xì thiếu giám sát là nguyên nhân chính gây hỏa hoạn. Do hầu hết những thợ hàn đều không được đào tạo bài, không có kiến thức an toàn PCCC, khi hàn cắt không che chắn bao tải ướt, chuẩn bị bình chữa cháy xách tay mang theo phòng ngừa.

Lỗ hổng quan trọng tại khâu này là việc giám sát của người đứng đầu cơ sở, theo quy định công nhân hàn xì thì phải có người giám sát, đằng này chỉ để một mình công nhân thao tác khi mải mê làm không chú ý, đến lúc cháy lớn mới phát hiện thì đã quá muộn.

Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 13 cho biết: “Những cơ sở kinh doanh, sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ bởi vì do chủ cơ sở thực hiện chưa nghiêm an toàn PCCC. Có những cơ sở chấp hành tốt nhưng trong số hàng trăm công nhân chỉ một người sơ suất là có thể xảy ra hỏa hoạn. Do đó muốn hạn chế tối đa thiệt hại do cháy các khâu trong cơ sở kinh doanh, nhà xưởng phải tuân thủ khép kín, chỉ cần “hở” 1 mắt xích là “bà hỏa” có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào”.

Đám cháy thiêu rụi trên 1000m2 nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng phòng cháy, chữa cháy khu vực quận huyện tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, cùng với đó tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng PCCC cho người dân, người đứng đầu cơ sở.

“Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được thẩm duyệt an toàn PCCC theo quy định, đặc biệt các khu chế xuất phải có đường giao thông chữa cháy, phương tiện chữa cháy, thiết bị chữa cháy hoạt động hiệu quả. Đồng thời đối với cơ sở rộng phải có tường ngăn cháy để khi xảy ra sự cố hỏa hoạn chống cháy lan, cháy lớn.

Cùng với hệ thống thiết bị, con người phải là số 1, do đó việc lực lượng chữa cháy cơ sở phải thường xuyên phối hợp với lực lượng chữa cháy chính quy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, thường xuyên tập huấn để kiểm tra thiết bị, nâng cao kỹ năng tác chiến” - Đại tá Nguyễn Quang Thuyên cho biết thêm và nhấn mạnh chính quyền phải thường xuyên phát hiện, xử lý vi phạm đồng thời giám sát chủ cơ sở thực hiện trách nhiệm an toàn PCCC đối với nơi mình đứng đầu.