Con gà của tôi trên đồi mộng mơ

ANTD.VN - Tôi chưa tròn 1 tuổi, cuộc chiến tranh chống Pháp ngày một lan rộng - Mẹ đã cho tôi ngồi ở một bên thúng quấn xung quanh cùng quần áo, chăn màn và một tay nải ruột ngựa đựng gạo - thúng bên kia là “con chó xấu xí” cùng nồi niêu xoong chảo, mắm muối - mẹ gánh tôi và con chó - con chó mà sau này bố tôi đã viết nên truyện “Con chó xấu xí” của ông.

Gia đình tôi chạy tản cư từ quê tôi “Làng” chợ giàu Từ Sơn, Bắc Ninh lên Đồi Cháy ở Ấp Cần Đen, Nhã Nam Yên Thế - Bắc Giang - quả đồi rực một màu đất đỏ cháy, màu đặc biệt của miền đất trung du Bắc bộ mà sau này được gọi là “Đồi văn nghệ”. Vì đây chính là nơi hoạt động, sinh sống của các văn nghệ sỹ - những người khai mở nền văn học nghệ thuật đầu tiên của đất nước. Trên quả đồi này, bố mẹ tôi cùng các bác Nguyên Hồng, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận… tăng gia nuôi lợn gà, trồng rau, ngô, khoai, sắn. 

Một hôm, bố gọi tôi và Chương em tôi lại nói: Thầy giao cho con Hiền nuôi con gà mái này, còn Chương nuôi con gà trống này nhé. Thích quá chúng tôi dạ - Vâng ạ!  Chúng tôi mỗi đứa tự ôm con gà của mình trong tay và hiểu rằng chúng tôi vừa được trao một trách nhiệm vô cùng lớn lao lần đầu tiên trong đời ở tuổi thơ bé nhỏ của mình.

Con gà của tôi là một con gà mái hoa mơ, nó đẹp lắm, lông nó màu trắng lẫn vàng sậm, nâu đỏ. Đuôi, cánh điểm màu đen nhánh, mỏ vàng tươi, luôn miệng kêu cục… cục... Tôi nuôi được ít lâu thì nó bắt đầu đẻ trứng - mẹ tôi nói nhà mình không ăn trứng để cho gà mẹ ấp ra một đàn gà con, lông vàng như tơ - gà mẹ kêu cục... cục…, gà con kêu chíp chíp - nó dẫn đàn con đi tìm mồi tha thẩn trong vườn nhà. Bỗng gà mẹ xù lông, xù cánh ra, liên tiếp kêu cục, cục… cục… Lũ gà con liếp chiếp chạy lại rúc vào bụng mẹ - gà mẹ xòe cánh ra, nằm xuống - lũ gà con biến mất trong đám lông của mẹ nó.

Mới đầu tôi không hiểu tại sao, nhưng rồi tôi đã biết tít trên trời cao, có một con diều hâu đang bay lượn vòng - nó liệng lên, liệng xuống định bắt gà con của tôi nhưng nó không thể bắt được. Thật lạ, tôi đứng ở đây nhìn khắp xung quanh không phát hiện được gì, thế mà con gà mái của tôi đã xù lông, xòe cánh gọi đàn con của nó chạy về nấp dưới cánh để tránh con diều hâu đang bay lượn tít trên trời cao định bắt đi đàn con của nó. Vì sao nó lại biết nhanh như vậy nhỉ? Hay là bất kỳ động vật nào, khi làm mẹ đều được trời phú cho một giác quan nhạy bén như vậy để bảo vệ lũ con thơ của mình.

Một hôm, bác Nguyễn Huy Tưởng, bác Tô Hoài, bác Nguyễn Đình Thi đến nhà chơi, đang ngồi nghe các bác nói chuyện với bố, bỗng Chương em tôi nói:

- Cháu muốn lấy vợ.

Tôi lên 6, em tôi lên 4 - các bác nghe Chương nói, tròn xoe mắt nhìn - bác Tưởng, bác Tô Hoài hỏi:

- Cháu muốn lấy vợ thật à? Cháu định lấy ai?

Chương nói: Cháu muốn lấy chị Lan con bác Ngô Tất Tố.

Mọi người ồ lên nói:

- Chị Lan 18 tuổi rồi, cháu mới lên 4, làm sao cháu lấy được chị.

- Cháu nhất định lấy chị Lan.

Bác Tưởng, bác Tô Hoài, bác Thi nhất loạt nói:

- Cháu có biết không, nếu muốn lấy vợ cháu phải có 10 con voi, 10 con hổ, 10 con trâu, 10 con bò, phải có một thuyền gạo và phải có nhà - cháu có gì mà dám đòi lấy vợ?

- Cháu có con gà - rất trịnh trọng, nghiêm trang, em tôi hùng hồn tuyên bố dõng dạc như vậy.

Thế rồi em tôi mặc áo may ô, đầu chải bóng mướt, rẽ đầu ngôi lệch một bên, chân đi đôi giày săng đá to tướng, nặng trịch của bác tôi - nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy là anh ruột mẹ tôi. Tay ôm gà, em tôi tiến thẳng sang nhà bác Ngô Tất Tố ở phía bên kia đồi để hỏi vợ.

Con gà trống em tôi nuôi trông oai hùng và đẹp lắm - mào dựng đứng trên đầu và chảy dài dưới cổ một màu đỏ rực - mắt mở tròn xoe, đen láy chớp chớp, mỏ vàng nhọn hoắt, hiên ngang, lông cổ và thân mình mướt một màu đỏ cháy óng ánh, lông đuôi cao vút lên bay phất phới - đuôi và cánh điểm màu đen thoáng ánh xanh biếc lấp lánh - trông thật oai hùng. Em tôi khệ nệ ôm con gà - có lẽ con gà và em tôi to gần bằng nhau, ấy vậy mà em tôi bế con gà nặng trịch như vậy, cả hai oai hùng, nghiêm trang đứng từ sáng đến trưa ở cổng nhà bác Ngô Tất Tố đòi lấy chị Lan bằng được, quyết không về. Cuối cùng vợ bác Tố phải bảo chị Lan ra gặp em tôi, chị hứa sẽ làm vợ Chương, em tôi gật đầu đồng ý, xong lại khệ nệ đi đôi giày to gộc, mang con gà về nhà, cho vào chuồng của mình, hí hửng lắm, tự hào nói với các bác:

- Chị Lan đồng ý lấy cháu rồi.

Các bác và bố tôi cứ mồm chữ O, mắt chữ A nhìn nhau kinh ngạc quá - thế mà bây giờ bác Tô Hoài gần như là lớp người cuối cùng trên quả đồi này đã ra đi.

Thế rồi hòa bình - tôi theo bố và các cô các bác trong hội văn nghệ cùng dòng người trên các đoàn xe dài dằng dặc tiến về Hà Nội, tiếp quản Thủ đô.  Về Hà Nội - nhớ Đồi Cháy, nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ bạn bè, nhớ dòng suối róc rách có cây cầu Đen, vì thế nên Đồi Cháy có tên Ấp Cầu Đen, và nhớ nhất đàn gà con, với con gà mẹ suốt ngày tôi chăm lo cho chúng ăn lích chích lục cục dưới chân tôi.

Chẳng biết làm sao cho thỏa nỗi nhớ, tôi xin bố mua cho tôi hộp màu và giấy bút - tôi đã cặm cụi ngồi vẽ lại nỗi nhớ của tôi - tôi vẽ tôi đứng trên quả Đồi Cháy, dưới chân đất một màu đỏ thắm, lá cỏ xanh rì, mây trời lồng lộng và tất nhiên không thể thiếu con gà mái hoa mơ của tôi và một đàn như những cục bông vàng chạy lăng xăng, kêu liếp chiếp quanh gà mẹ đang vui vẻ dưới chân tôi.

Vẽ xong mang ra khoe bố, bố tôi nói tranh đẹp lắm, con lấy tên tranh là gì, tôi nói: Con lấy tên là “Đàn gà của em”, nhưng sau tôi đổi ý nói con lấy tên là “Quả đồi của em”, tôi nghĩ tên ấy đúng hơn vì quả đồi của tôi là quả đồi của tuổi thơ, quả đồi của mộng mơ đã mang đến cho tôi bao nhiêu cánh cửa của niềm vui, hạnh phúc, sự thử thách của gian khổ đói nghèo thời chiến tranh, tình thân chia sẻ ngọt bùi giữa xóm giềng, những người bạn tuổi thơ của tôi.

Và ở quả đồi ấy, lần đầu tiên tôi đã được xem bác Nguyễn Tư Nghiêm vẽ, nghe đàn violon của bác Đỗ Nhuận, được nghe thơ của bác Nguyễn Đình Thi, được nghe bác Nguyên Hồng đọc những trang văn mới viết của mình cho bạn bè nghe và khóc rưng rức, được nghe truyện “Con Nhà thằng Gạo” của bác Nguyễn Huy Tưởng để lòng luôn cầu mong mọi người có gạo để ăn, có nhà để ở…

Từ hai con gà bố mẹ cho tôi và Chương nuôi năm tôi lên 6 và em tôi lên 4 - tưởng như là một chuyện ngẫu nhiên - mà dường như đã có một duyên ngầm - bức tranh tôi vẽ lần đầu tiên và được giải thưởng quốc tế là tôi vẽ tôi đứng trên quả đồi mộng mơ của mình với con gà mái và đàn gà con thân thương tự tay tôi nuôi nấng.

Còn Chương, bức tranh đầu tiên em vẽ là bức tranh “Con Gà Tồ” - con gà trống Đông Tảo, chân to, lông trụi ngực phơi ra hiên ngang đỏ thắm - bức tranh đầu tiên này của em cũng ngay lập tức nhận được giải thưởng quốc tế.

Năm nay là năm Đinh Dậu, lại nhớ tới những kỷ niệm xa xưa hơn nửa thế kỷ trước - hai con gà của hai chị em tôi nuôi nấng đã cho tôi lần đầu biết yêu thương loài vật, chúng đã đi vào lòng tôi, tâm hồn tôi và lần đầu tiên tôi đã vẽ chúng trên bức tranh đầu đời của mình với tình yêu và tràn đầy thương nhớ.

Bây giờ ngồi nghĩ lại hóa ra cả hai chị em tôi, bức tranh đầu tiên đều là vẽ lại con gà mái và con gà trống trong dấu ấn tuổi thơ của mình. Và cả hai bức tranh của hai chị em tôi đều được giải thưởng quốc tế và cả tôi và em đều theo nghiệp vẽ từ đó cho đến nay và chắc chắn là sẽ đi theo con đường nghệ thuật này cho đến hết cuộc đời.