Con cái nghỉ hè, phụ huynh rơi vào cảnh "dở khóc dở cười"

ANTD.VN - Xin nghỉ phép ở nhà trông con, đi công tác "tha" con đi cùng, ngồi làm việc ở cơ quan để con bên cạnh... là những tình huống dở khóc dở cười của nhiều phụ huynh trong kỳ nghỉ hè của con.

Cứ đến kỳ nghỉ hè của con, nhiều phụ huynh lại rơi vào cảnh "dở khóc dở cười"

Sau cả một năm học hành vất vả, nghỉ hè là dịp để học sinh có thời gian vui chơi, giải trí lấy lại sự cân bằng để chuẩn bị cho một năm học mới. Tuy nhiên với nhiều bậc phụ huynh thì đây lại là một "trận chiến" mới.

"Đành phải" cho đi học các môn năng khiếu

Mặc dù phụ huynh không muốn, trẻ không hào hứng, nhưng cuối cùng học thêm các môn năng khiếu trong dịp hè vẫn là giải pháp mà đa số phụ huynh buộc phải lựa chọn. Chị Minh Anh, nhà ở Giáp Bát, Hà Nội kể, con gái chị năm nay lên lớp 2. Vừa được nghỉ hè là nằng nặc đòi mẹ phải cho đi học đàn piano, vì "nhiều bạn trong lớp con biết chơi đàn".

Nghĩ con gái học đàn cũng là phù hợp, chị Minh Anh lại lọ mọ lên mạng internet tìm lớp cho con. Tiền học thì vừa vừa, tiền mua đàn thì đắt. Chiếc đàn Piano điện tử rẻ nhất chơi được cũng mất cả chục triệu đồng. Khổ nỗi, học gì thì cũng vất vả, chỉ được dăm buổi cô con gái đã chán. Cái đàn lại để phủ bụi một góc nhà.

Vừa nghỉ hè là “nhập ngũ”

Vài năm gần đây, nhiều trung tâm đã cho ra mắt các khóa học kỳ quân đội. Nhiều phụ huynh cũng chọn các khóa học này để vừa yên tâm có chỗ gửi con lại vừa giúp con rèn luyện bản thân tốt hơn.

Ngay từ trước kỳ nghỉ hè, anh Lê Kiên ( Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con trai lớp 7 vừa nghỉ hè đã tìm hiểu thông tin về các khóa học kỳ quân đội ở các khu vực gần Hà Nội với hy vọng giúp cậu con trai hiếu động, nghịch ngợm sẽ đi vào nề nếp hơn.

Đúng theo kế hoạch, vừa bắt đầu nghỉ hè là anh cho con trai lên đường “nhập ngũ” tại một khóa học quân đội ở Phúc Thọ (Hà Nội).

Cũng giống như anh Kiên, chị Hoài Phương (Đống Đa, Hà Nội) sau khi thuyết phục được cậu con trai 12 tuổi của mình đã ngay lập tức cho tham gia một khóa học quân đội ở tận Bắc Giang.

Để giúp con trai mình khỏi bỡ ngỡ khi phải đi xa gia đình một thời gian khá dài, chị Phương còn vận động 3 gia đình khác cùng trong lớp học của con trai tham gia học kỳ quân đội cùng.

Phụ huynh lựa chọn khóa học quân đội để gửi con dịp hè

Cho con “nương cửa chùa”

Một số gia đình ở Hà Nội lại chọn cách gửi con lên chùa, thiền viện để theo học các khóa tu tập ngắn vào dịp hè với hy vọng giúp con tĩnh tâm, biết nghe lời, tiếp thu điều tốt đẹp.

Tại khu vực Hà Nội, phần lớn các phụ huynh đều chọn Thiền viện Trúc Lâm để "chọn mặt gửi vàng". Muốn gửi con ở đây, các bậc phụ huynh phải viết giấy cam kết gửi con vào thiền viện cho tập tu và cai game, "cai" tivi, laptop, điện thoại di động. Các con ngủ cùng nhau, ăn cùng nhau và sống tự lập không có bố mẹ kèm cặp....

Chị Hoài Thương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Mấy tháng hè, để con ở nhà với cái tivi, máy tính chỉ xem hoạt hình và chơi điện tử thì mình lo lắm. Cho con về ông bà thì con cũng chúi mũi vào tivi, không khéo lại ra quán chơi điện tử nên cho con đi học khóa tu dịp hè là cách tốt hơn cả”.

Con cái nghỉ hè, phụ huynh rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" ảnh 3

Nghỉ hè, nhiều phụ huynh cho con tham gia các khóa tu tập ngắn hạn 

Gửi con về quê cho ông, bà

Trên trang faebook cá nhân, mẹ của một bé có tên là Nhật Minh kể, chị không muốn nhồi nhét cho con từ bé, nhưng chị cũng không biết “phải để nó ở đâu để nó chơi thoải mái ba tháng hè”. Ngày cuối cùng của năm học, con bé nhà chị liền gọi điện cho bà ngoại nói với bà là chuẩn bị “chịu đựng” cháu, vì cháu sắp được nghỉ hè rồi! Có điều bà và ông bây giờ đều yếu, gửi con ở đó thì chị áy náy thương ông bà, để ở nhà một mình thì không yên tâm.

Vì con chị rất hiếu động đã từng tự động thay bóng điện, đốt giấy, cắm phích điện lung tung. Cho đi học thêm cũng “chết”, bởi toàn học từ 2 – 4 giờ, vẫn trong giờ làm việc của mình, ngày ngày trốn việc đưa đón con cũng không ổn. Tóm lại là chị vẫn chưa biết phải quyết định thế nào với ba tháng hè vui vẻ của con.

“Học kỳ ở quê” có lẽ là phương án tối ưu cho những gia đình trẻ, không có ai trông coi con dùm như nhà mẹ bé Nhật Minh.

“Nhốt” con trong nhà, ăn gian giờ công sở…

Không có người trông con, cũng không có điều kiện cho con theo học những khóa học đắt tiền, nhiều phụ huynh buộc phải áp dụng giải pháp là “nhốt” con trong nhà để đi làm, nghỉ làm hoặc mang con đến cơ quan. 

Chị Nguyễn Thu Phương  (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, năm nào đến hè vợ chồng chị cũng phải tính các giải pháp tình thế để lấp đầy thời gian nghỉ hè của cô con gái học cấp 2. Mọi năm còn nhờ ông bà nội ngoại được ít ngày, thời gian còn lại vợ chồng thay nhau nghỉ phép ở nhà trông con.

2 năm nay cháu cũng lớn hơn, ông bà ở quê cũng đều yếu cả nên hai vợ chồng bàn nhau sẽ để cháu đi học tiếng Anh tuần 3 buổi, thời gian còn lại con khóa cửa ở trong nhà, buổi trưa thay nhau tranh thủ về đón cháu từ trung tâm tiếng Anh, nấu cơm và kiểm tra cháu. 

Tình trạng “nhốt” con ở nhà như chị Phương bây giờ là khá phổ biến.

Cơ quan trở thành “nơi vui chơi của con”

Cứ đến hè là cơ quan anh Ngọc ở Từ Liêm, Hà Nội lại biến thành nơi vui chơi khi các mẹ mang con tới văn phòng, cho vào phòng họp và cử ra một “đội trưởng” chuyên trách nhiệm vụ trông nom, giao bài, kiểm tra các em khác.

Buổi trưa các mẹ đã mang sẵn đồ ăn cho các con ăn trưa rồi bố trí chỗ ngủ trưa, chiều lại lặp lại kịch bản buổi sáng. Các mẹ có chung suy nghĩ “Con ở nhà chỉ xem ti vi và chơi điện tử hại mắt, mà ra ngoài thì nắng nóng có khi lại ốm thêm. Hơn nữa để con ở nhà bố mẹ đi làm cũng không yên tâm, chỉ sợ xảy ra vấn đề về an toàn mà không có mặt kịp thời”.

 Với suy nghĩ như vậy, các mẹ nhất trí cao việc mở nhà trẻ tại cơ quan, mà ban lãnh đạo cũng thông cảm với chị em công sở nên “mắt nhắm mắt mở” cho qua giai đoạn cao điểm mùa hè này.

Có nhiều mẹ phải cho con đến công sở cùng mình

Đưa con đi “công tác cùng”

Chị Hương Giang làm truyền thông ở TP.HCM cũng cười ra nước mắt với kỳ nghỉ hè của con, khi công việc luôn bận rộn, lịch công tác thì thường xuyên.

Chị kể: Nhà có 2 đứa trẻ, khi chị đi công tác đúng dịp cháu nghỉ hè. Đứa nhỏ thì ở nhà với bố, mẹ đưa cậu con trai lớn đi công tác cùng ngoài Hà Nội.

Những tưởng cu cậu cũng thích thú được đi cùng mẹ, nào nhờ cu cậu chán ra mặt khi không có chỗ đi chơi, cứ phải đi theo mẹ. Đồ ăn thì cậu không thích, kêu nhớ nhà, mà mẹ thì cũng vướng víu khi đi giao dịch với đối tác, vì "ông con" ngồi lù lù bên cạnh mà sắc thái biểu cảm thì “không thể đỡ nổi”.

Gợi ý một số giải pháp trông trẻ ngày hè:

Cho trẻ về quê

Những gia đình có quê ở xa, có người thân trông nom trẻ thì có thể cho trẻ về thăm ông bà, họ hàng nhằm giáo dục cho trẻ biết cội nguồn, khơi dậy lòng hiếu thảo và biết yêu quê hương. Đây cũng là dịp trẻ được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, có cơ hội tăng vốn kiến thức xã hội.

Cho trẻ tham gia lớp năng khiếu/câu lạc bộ

Bố mẹ có thể cho con tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ hoặc các lớp năng khiếu như tiếng Anh, múa, võ thuật, đọc sách, vẽ... Việc lựa chọn hoạt động trường lớp cần tìm hiểu kỹ càng và phải hỏi ý kiến của trẻ. Các câu lạc bộ sẽ rất có tác dụng nếu phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích và năng khiếu của bé. 

Tìm người trông trẻ

Đối với các gia đình có con còn bé, cha mẹ có thể nhờ ông bà, họ hàng đến nhà trông giúp. Cũng có thể gửi con đến các trường mầm non dân lập gần nhà hay gửi nhờ hàng xóm trông giúp.

Khuyến khích trẻ đọc sách

Nghỉ hè không nên bắt trẻ học quá nhiều, nhưng khoảng thời gian rảnh có thể khuyến khích trẻ đọc sách, vì sách cũng cung cấp một khối lượng kiến thức và kỹ năng rất lớn. Hãy chọn những sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của trẻ, cùng đọc, giải thích và bàn luận với trẻ. 

Ngoài ra dịp hè phụ huynh cũng nên khuyến khích, hướng dẫn các con làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ hoặc tham gia các hoạt động xã hội.