Coi chừng mất mạng vì ăn tiết canh

ANTĐ - Theo các bác sĩ, mùa hè thời tiết nóng nực, nhu cầu sử dụng các món ăn mát, tươi sống như tiết canh, gỏi… tăng lên, tuy nhiên kèm theo đó là nguy cơ mắc các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Coi chừng mất mạng vì ăn tiết canh ảnh 1Ăn tiết canh tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm

Tử vong do liên cầu khuẩn lại tăng

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 19-5 vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một nam bệnh nhân 67 tuổi vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Sau 3 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ngành y tế đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều về sự nguy hiểm của món tiết canh nhưng nhiều người vẫn chủ quan không chịu từ bỏ sở thích của mình. Hệ quả vẫn có nhiều bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh nhập viện, tỷ lệ tử vong do bệnh rất cao. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vào mùa hè, thời tiết nóng nực, bát tiết canh không khác gì một ổ dịch bệnh, nguy cơ gây tiêu chảy cho người sử dụng rất cao do đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở.

Cùng thời điểm này năm ngoái, số bệnh nhân nặng vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do liên cầu khuẩn lợn cũng tăng nhanh. Các ca bệnh được ghi nhận tại nhiều địa phương khác nhau như: Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội... “Một bát tiết canh có thể khiến người ăn phải trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, với chi phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí mất mạng” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Không bày bán tiết canh 

Tại Hà Nội, từ năm 2007 - thời điểm dịch tiêu chảy cấp bùng phát, thành phố đã có văn bản nghiêm cấm mua bán và ăn tiết canh. Thế nhưng, đến nay, việc bán tiết canh vẫn diễn ra phổ biến. Ở nhiều khu vực, tình trạng bày bán, ăn tiết canh diễn ra công khai nhưng không có cơ quan chức năng nào nhắc nhở, kiểm tra xử lý. Hệ quả, hầu như năm nào trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận những bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn phải nhập viện cấp cứu.

Trao đổi với phóng viên sáng 25-5, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các loại thức ăn tươi sống nói chung, tiết canh gia súc, gia cầm nói riêng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là dịch tả, nhiễm trùng máu, hoại tử tay, chân, liên cầu khuẩn… Ngoài dịch tiêu chảy cấp, ăn tiết canh gia súc, gia cầm cũng là nguyên nhân có thể mắc bệnh cúm A/H5N1 ở người. 

Để thực hiện tốt việc chấp hành quy định về ATVSTP, phòng chống dịch bệnh mùa hè, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan chức năng các quận/ huyện/ thị xã đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống cũng như khuyến cáo phòng bệnh đến người dân, trong đó nhấn mạnh việc không bày bán, ăn uống thực phẩm tươi sống, không ăn tiết canh. Ngoài việc tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng, việc nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho mỗi người dân về công tác này là vô cùng quan trọng, qua đó mới nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Phường nào nhiều vi phạm ATTP, sẽ xử lý cán bộ

Coi chừng mất mạng vì ăn tiết canh ảnh 2Nhiều bệnh nhân nguy kịch, hoại tử chi do liên cầu khuẩn lợn vì ăn tiết canh

Sáng 25-5, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ thị 08/CT-UBND TP về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và một số nhiệm vụ trọng tâm ATTP 6 tháng cuối năm 2016.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2016, toàn thành phố đã tổ chức 766 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP, tiến hành kiểm tra hơn 43.000 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở vi phạm và xử phạt 654 cơ sở với tổng số tiền trên 2,65 tỷ đồng. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay chúng ta vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Công tác quản lý ATTP vẫn theo kiểu, thấy dư luận nổi lên vấn đề gì là lao vào kiểm tra. Hôm nay đến thẩm định, thanh tra, kiểm tra, cơ sở thực hiện tốt nhưng khi đoàn kiểm tra đi họ lại vi phạm…”. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc xử lý cơ sở vi phạm, cần phải xử lý cán bộ buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Tới đây, Sở Y tế Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP, nếu phường nào để xảy ra cơ sở vi phạm ATTP nhiều lần thì có thể cách chức cán bộ quản lý.

Duy Tiến