Cớ gì cứ phải người nhường, người đẩy

ANTD.VN - Một chàng trai trẻ vừa đỗ trạng nguyên về quê nhà thăm thú trước khi lên kinh thành nhậm chức vua ban đến chào một vị cao tăng trong vùng, người nổi tiếng học cao biết rộng. 

Vị cao tăng rất vui mừng khi tân trạng nguyên tới thăm. Vị cao tăng khen ngợi chàng trai hết lời vì tuổi trẻ tài cao, chàng trai trẻ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lời khuyên của vị cao tăng. Hai người ngồi đàm đạo ngoài vườn suốt cả một buổi, tới quá trưa. Một người hầu trong nhà ra mời họ vào nhà dùng bữa nhưng cả hai đều từ chối, người hầu đành nấu hai bát mỳ và mang ra vườn để hai người cùng ăn.

Hai bát mỳ mà người hầu bưng ra có một bát to và một bát nhỏ hơn, vị cao tăng theo phép lịch sự của chủ nhà, đẩy bát mỳ lớn đến trước mặt chàng trai trẻ mời ăn. Theo lẽ thường, để bày tỏ sự kính trọng người trên tuổi, chàng trai sẽ phải từ chối và mời lại vị cao tăng bát mỳ lớn, nhưng chàng trai trẻ nói lời cảm ơn xong cầm luôn bát mỳ lên ăn khiến cho vị cao tăng chưng hửng: “Tưởng anh ta học rộng tài cao, hiểu biết lễ nghĩa, hóa ra cũng chỉ là loại phàm phu tục tử”.

Chàng tân trạng nguyên ăn một mạch hết bát mỳ lớn, bỏ xuống thì mới nhận ra vị cao tăng vẫn ngồi nguyên không ăn bát mỳ còn lại, vẻ mặt không vui chút nào, chàng trai bèn hỏi sao ông không ăn. Vị cao tăng không nói gì cả, chàng trai trẻ dường như hiểu ra chuyện, bèn nhẹ nhàng nói: “Tôi quả thật thất lễ khi đã ăn hết bát mỳ mà không để ý tới cao tăng, nhưng quả thật tôi cũng đã đói mà mỳ lại rất ngon. Nếu bảo tôi đẩy đi đẩy lại bát mỳ thì đó không phải tính cách của tôi, cho nên tôi sẽ không bao giờ làm như vậy. Tôi muốn hỏi, cao tăng nhường bát mỳ lớn cho tôi là có mục đích gì vậy?”.

Vị cao tăng đáp: “Là để dùng bữa”, chàng trai trẻ nói: “Tôi dùng bữa, cao tăng cũng dùng bữa, chúng ta có cùng mục đích, vậy tại sao phải người nhường người đẩy? Phải chăng là cao tăng không thật lòng muốn nhường bát mỳ lớn cho tôi? Nếu không phải thật lòng thì tại sao cao tăng lại làm như vậy?”. Vị cao tăng lấy làm xấu hổ bèn ăn hết tô mỳ còn lại.

Chúng ta thường nghĩ rằng thái độ khách sáo và lịch sự mới là lễ độ, mặc cho phải làm những việc trái với ý muốn và tâm nguyện của mình. Thực ra lễ nghĩa chỉ là hình thức bên ngoài cho nên câu nệ vào lễ nghĩa chỉ đều là những biểu hiện giả tạo. Nếu muốn trở nên một con người chân chính, phải đạo, hãy luôn lấy sự thẳng thắn và chân thành làm đầu.