Chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn

ANTD.VN - Tôi chung sống như vợ chồng với anh A nhưng không đăng ký kết hôn. Khi biết tôi có thai thì anh A đã chối bỏ trách nhiệm, không nhận con và không còn chung sống với tôi nữa. Tôi có thể khởi kiện yêu cầu anh A cấp dưỡng cho con tôi không?

Để chu cấp tiền nuôi dưỡng phải có văn bản của cơ quan Nhà nước xác nhận mối quan hệ  (Ảnh minh họa)

Cách đây 8 năm tôi có chung sống như vợ chồng với anh A nhưng không đăng ký kết hôn. Khi biết tôi có thai thì anh A đã chối bỏ trách nhiệm, không nhận con và không còn chung sống với tôi nữa. Sau khi sinh con, tôi đi làm giấy khai sinh cho cháu và để trống họ tên cha. Đến nay cháu đã được 7 tuổi. Hiện nay, chi phí cho việc học hành của cháu rất lớn, tôi không kham nổi và có đề nghị anh A cấp dưỡng cùng nuôi con nhưng anh A từ chối. Vậy xin hỏi trường hợp của tôi có thể khởi kiện yêu cầu anh A cấp dưỡng cho con tôi được không?

Bùi Thanh Trà (Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa)

Đối với trường hợp của bạn, theo Điều 9 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định pháp luật hôn nhân, gia đình và pháp luật về hộ tịch. Kết hôn không được đăng ký theo quy định pháp luật thì không có giá trị pháp lý. Tuy bạn và anh A không đăng ký kết hôn nhưng không ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con giữa bố cháu và cháu. Điều 69 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới tính hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này. Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Vì vậy, theo quy định trên anh A phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu. Để anh ấy phải chu cấp tiền nuôi dưỡng cháu thì trước hết phải có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận anh ấy là cha đẻ của cháu. Nếu anh ấy tự nguyện nhận con thì thủ tục xác nhận cha cho con được quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định và trực tiếp nộp hồ sơ tại UBND xã.

Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến, địa chỉ: Số 52 Quán Sứ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, trong thời hạn quy định, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch UBND cấp xã ký cấp cho mỗi bên 1 bản chính trích lục hộ tịch.

Theo bạn trình bày, anh A không muốn nhận con, còn bạn lại muốn xác định anh A là cha của con bạn - như vậy đã có tranh chấp về việc xác định cho con. Và theo quy định tại Điều 102 - Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của - Luật này”.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, bạn có quyền làm đơn gửi đến TAND cấp  quận, huyện nơi cư trú của anh A yêu cầu xác định anh A là cha của con bạn, đồng thời đề nghị anh A phải cấp dưỡng cho cháu. Do hai bên không thỏa thuận được nghĩa vụ cấp dưỡng và trên giấy khai sinh của cháu chỉ có tên bạn nên lúc này trong đơn khởi kiện của bạn phải có hai yêu cầu là công nhận anh A là cha của con bạn và yêu cầu anh A cấp dưỡng.