Chồng muốn có con trai, vợ dễ bị trầm cảm, bạo hành

ANTD.VN - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế cho biết, dù pháp luật về dân số nghiêm cấm hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, khoảng 82-85% phụ nữ mang thai vẫn biết giới tính thai nhi trước khi sinh.

Việc biết trước giới tính thai nhi hiện nay rất phổ biến (ảnh minh họa)

Ngày 8-9, Tổng cục DS-KHHGĐ đã thông báo kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng biết trước giới tính thai nhi ở nước ta ngày càng phổ biến và rất đáng báo động. Dù pháp luật về dân số nghiêm cấm hành vi siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, song dường như không mấy cặp vợ chồng để ý đến các quy định này.

Cách đây khoảng 10 năm (vào năm 2006), số phụ nữ ở nước ta biết trước giới tính thai nhi là 63,8% thì ở khảo sát mới đây, con số này đã tăng lên 83%, riêng ở khu vực thành thị là trên 85% và thực tế có thể còn cao hơn nữa. 

Nguy cơ tăng tỷ lệ nạo phá thai

Với sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật trong ngành y tế, việc siêu âm, xét nghiệm để biết trước giới tính thai nhi ngày càng trở nên dễ dàng hơn, sớm hơn. Dù chưa có số liệu cụ thể song các chuyên gia về dân số cũng thừa nhận, chính từ việc biết trước giới tính thai nhi, không ít cha mẹ đã quyết định bỏ thai là bé gái để chờ cơ hội sinh bé trai (đặc biệt là các trường hợp đã sinh con đầu là gái). 

Không chỉ gây hậu quả về tinh thần, trầm cảm, hay ảnh hưởng sức khỏe mà trong những trường hợp nghiêm trọng, bạo hành gia đình hay áp lực phải sinh bằng được con trai có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con… 

Chính vì tâm lý phải có con trai đã khiến nhiều sinh linh vô tội  không có cơ hội được cất tiếng khóc chào đời. Bác sĩ Mai Xuân Phương - Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, việc lựa chọn giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai chẳng những là hành động đáng lên án mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai phụ. Trong tương lai gần, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến “thừa nam, thiếu nữ” trầm trọng, ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ dư gần 4 triệu nam giới.

Để ngăn chặn tình trạng này, hàng năm, Tổng cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế các địa phương đều tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra song hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Chẳng hạn, tại Hà Nội - địa phương có tỷ số giới tính luôn duy trì ở mức 114 trẻ trai mới có 100 trẻ gái trong vài năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi liên tục được tăng cường song cả năm cũng chỉ xử lý được 2-3 cơ sở vi phạm.

Áp lực sinh con trai còn rất nặng nề

Cũng liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia cho biết, áp lực phải sinh con trai chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Cụ thể, trung bình cứ 4 phụ nữ sau sinh thì có 1 phụ nữ trầm cảm, nhưng trong trường hợp gia đình đã có con gái thì người vợ có nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai lần 2 cao gần gấp đôi so với bình thường. 

Đặc biệt, một số nghiên cứu về bạo hành gia đình cũng cho thấy, phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai (bao gồm cả bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần) gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai. Không chỉ gây hậu quả về tinh thần, trầm cảm, hay ảnh hưởng sức khỏe mà trong những trường hợp nghiêm trọng, bạo hành gia đình hay áp lực phải sinh bằng được con trai có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con… 

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ thừa nhận, mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức hàng đầu của công tác DS-KHHGĐ ở nước ta hiện nay. Tính trên cả nước, tổng số trẻ em sinh ra 6 tháng đầu năm 2017 là 484.946 trẻ, tăng 7.167 trẻ so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số trẻ nam sinh ra là 257.727 trẻ, tăng 3.809 trẻ; số trẻ nữ sinh ra là 227.219 trẻ, tăng 3.358 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh tại thời điểm tháng 6-2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái.