Chính quyền phải vào cuộc

ANTD.VN - Trong năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ước tính thu vào khoảng 80.000 tỷ đồng, trong đó được phép chi có 95%, tức là được chi chừng 76.000-77.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đã chi vượt tới 85.000 tỷ đồng. 

Thế những, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư từ nhưng năm trước chỉ còn 1, 2 năm nữa là... rỗng. Vì sao quỹ này bội chi đến mức “vung tay quá trán” như vậy? Có cách gì ngăn chặn tình trạng thâm thủng quỹ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ hay không?

Số liệu thống kê cho thấy một thực trạng rất đáng lo ngại. Chỉ trong 9 tháng năm nay, trên cả nước đã có tới 35 tỉnh số chi khám, chữa bệnh BHYT vượt trên 100%, 13 tỉnh chi trên 90% và 8 tỉnh chi trên 80%, thậm chí có tỉnh vượt “kỷ lục” chi trên 200%. Nguyên nhân đã được chỉ ra khiến gia tăng bất hợp lý không thực hiện đúng định mức theo quy định, thống kê thanh toán còn nhiều bất cập, vật tư y tế chưa hợp lý.

Đặc biệt là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú vô lý và kéo dài, trong đó trục lợi BHYT đã trở thành vấn đề nhức nhối diễn ra ở hầu hết các bệnh viện tỉnh, thành phố. Có những trường hợp một bác sĩ làm việc trong 7 giờ đã khám hơn 100 người bệnh, kê đơn thuốc chỉ trong vài phút. Cơ sở khám chữa bệnh thì “vẽ” ra đủ cách như tách dịch vụ kỹ thuật này thành dịch vụ khác giá cao hơn để thanh toán.

Phi lý tới mức có phòng khám chỉ một bác sĩ và một điều dưỡng nhưng trong vòng 3 tháng mà đòi thanh toán với BHXH lên tới 1,1 tỷ đồng. Những bằng chứng này chỉ là phần nổi của “tảng băng” bội chi BHXH. Ngành Y tế cũng đã nhìn ra những “lỗ thủng” này.

Vấn đề lượt khám quá mức, kê quá nhiều giường, ngày nằm viện tăng, nhất là việc chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cao hơn mức quy định, theo đại diện Bộ Y tế, trách nhiệm thuộc về Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa, Trưởng phòng phải siết chặt. Mặt khác, Bộ này sẽ bỏ Thông tư phân hạng đặc biệt bệnh viện vì không còn hợp lý. Bệnh viện làm được kỹ thuật gì thì thanh toán theo kỹ thuật đó.

Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý Quỹ BHYT không chỉ riêng ngành Y tế. Để đồng tiền chi đúng, chi đủ cho người bệnh, chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh không thể đứng ngoài cuộc mà phải xắn tay cùng ngành Y tế hỗ trợ kiểm tra, thanh tra bất cứ bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh nào trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của người bệnh.