Cảnh sát giao thông ra quân "xử" những "cỗ xe hung khí" trên phố

ANTD.VN - Những tấm kính, miếng tôn sắc lẹm, thanh sắt, thép dài hai đầu nhọn hoắt như mũi dáo được chở trên các phương tiện tự chế, thực sự là nỗi ám ảnh với nhiều người dân Thủ đô. 

“Hung thần” khắp nơi

Vụ tai nạn thương tâm giữa chiếc xe đạp với chiếc xe tự chế chở hàng chục tấm tôn khiến cháu bé bị cứa vào cổ tử vong thêm một lần nữa khẳng định yêu cầu xóa sổ loại phương tiện này trên đường phố là vô cùng cấp bách.

Những chiếc xe ba bánh tự chế chở những cây sắt, thép dài như những mũi giáo khổng lồ 

Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm này, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đã triển khai tăng cường tổng kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp xe tự chế chở quá khổ, quá tải, cồng kềnh trên phố.

Sáng 25-9, theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, dọc trục đường Giải Phóng xuôi về Pháp Vân, không khó để nhận thấy những chiếc xe ba bánh tự chế chở những tấm kính, tôn, sắt thép lao ầm ầm trên phố. Những miếng kính, tấm tôn được chằng buộc qua loa, cạnh sắc lẹm chìa ra khỏi thùng xe hàng mét như những lưỡi dao lam khổng lồ chực chờ lia vào bất cứ ai trên đường.

Không ai có thể biết trước được hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào nếu như những chiếc xe kéo này đứt móc nối văng vào người tham gia giao thông

Phản xạ tự nhiên nhất của những người tham gia giao thông xung quanh là vội vàng né dạt sang một bên số xe tự chế này để không phải dính đòn hiểm. Bất chấp tín hiệu đèn vàng hay đỏ, bất chấp những hiệu lệnh dừng xe, chuyển hướng phân luồng của CSGT, những lái xe tự chế này ngang nhiên coi đường sá là của riêng mình.

Một trong những trường hợp vi phạm đầu tiên bị xử lý là Nguyễn Công Vượng, SN 1974. Hàng chục thanh sắt, thép với chiều dài vài mét được người này chằng buộc dọc thùng xe. Khi được hỏi, dù biết vụ tai nạn thương tâm khiến cháu bé 9 tuổi tử vong liên quan đến xe tự chế chở tấm tôn cứa vào cổ nhưng lạ một điều là lái xe này vẫn coi những nguy hiểm đó chẳng phải là chuyện của mình. Dẫn chứng là cả hai đầu trước sau của số sắt thép đều không được bao bọc hay có thiết bị đảm bảo an toàn.

Không để tái diễn những bài học đau đớn

Không chỉ trên tuyến đường Giải Phóng, những phương tiện “hung thần” còn hoạt động nhiều ở các tuyến đường như Minh Khai, Đê La Thành, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Thanh Nhàn...Trong ngày 25-9, hàng loạt các phương tiện vi phạm đã bị lực lượng CSGT dừng xe, kiểm tra. Tất cả số lái xe vi phạm này đều bị CSGT buộc phải hạ tải, chuyển hàng sang xe ô tô hoặc phương tiện khác đảm bảo đúng Luật Giao thông và an toàn cho người tham gia giao thông trên đường.

CSGT được tăng cường tổng kiểm tra xử lý nghiêm tất cả các lái xe vi phạm

Đối với những phương tiện tự chế, lái xe không phải là thương binh, không có giấy phép lái xe theo quy định, CSGT đều lập biên bản xử phạt nghiêm, tịch thu tiêu hủy phương tiện. Thông tin với PV, Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng số xe ba bánh, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh trên địa bàn bị CSGT phát hiện, xử phạt là hơn 600 trường hợp.

Bày tỏ nỗi lo lắng đối với tình trạng vi phạm này, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội  CSGT số 3 cho biết: Nếu xét về số lượng phương tiện xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh bị xử phạt thì có lẽ Đội CSGT số 3 lúc nào cũng đứng đầu. Nói như vậy để thấy rằng hơn ai hết, CSGT là lực lượng tiên phong, trực tiếp phát hiện, đối mặt và giải quyết những mối nguy cơ tiềm ẩn trên. Dù vậy, theo Trung tá Lê Tú, “chỉ một mình CSGT là không đủ, bởi nếu chính quyền cơ sở, Công an các quận, huyện, thị xã và cơ quan chức năng cùng vào cuộc trong việc phát hiện, triệt xóa những điểm sản xuất, kinh doanh, mua bán, sửa chữa loại phương tiện cấm này thì các lái xe vi phạm sẽ không còn “đất” để tồn tại”.   

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho hay: Trong 9 tháng đầu năm 2016, Phòng CSGT đã tổng kiểm tra, xử lý 3.357 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, quá chiều dài, chiều cao cho phép, trong đó xe ba bánh tự dóng, tự chế là gần 600 trường hợp. Riêng xe mô tô chở hàng cồng kềnh là hơn 2.000 trường hợp. Hơn 500 xe ba bánh đã và đang được CSGT làm thủ tục thanh lý, tiêu hủy.

Không chỉ xe ba bánh chở hàng hóa nguy hiểm, cồng kềnh, xe máy cũ nát còn được cải tạo lại thành xe kéo hàng hóa


“Vụ tai nạn khiến cháu bé 10 tuổi tử vong là bài học vô cùng đau xót đối với bất cứ ai có lương tâm, trách nhiệm với tình hình giao thông của Thủ đô, với tính mạng, sức khỏe, tài sản...của người khác. Thời gian tới, CSGT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý, tiêu hủy bất cứ xe ba bánh, tự chế nào vi phạm Luật giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”-Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định.

Điểm D, Khoản 3, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng xe để kéo đẩy xe khác, vật khác, mang vác và chở cồng kềnh. Điểm A, Khoản 4, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được mang vác và chở vật cồng kềnh. Điểm H, Khoảng 4, Điều 6, Nghị định 46 quy định phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bám, kéo, đẩy xe khách, vật khác, dẫn, sắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác gây TNGT, tước GPLX 2-4 tháng...