Cảnh giác với những "hứa hẹn" xuất khẩu lao động Singapore

ANTD.VN - Do nhẹ dạ tin vào những lời rao tuyển việc nhẹ lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ tốt, chi phí rẻ nhiều người dính bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.

Cảnh giác với những "hứa hẹn" xuất khẩu lao động Singapore ảnh 1Lao động Việt Nam sang làm việc ở Sigapore chủ yếu trong các ngành nghề như dịch vụ khách sạn

Xuất khẩu lao động đã và đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động. Singapore là thị trường được người lao động Việt Nam rất kỳ vọng. Nắm được tâm lý người lao động muốn có cơ hội làm việc tại đất nước phát triển, nhiều môi giới đưa ra chiêu trò nhằm chiếm đoạt chi phí xuất khẩu của người lao động.

Rao tuyển hấp dẫn

Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thời gian qua, nhiều trang web như http://contyxkldduytin.com, http://xuatkhaulaodongnhat.vn, http:// www.agent.com.vn, http://zenco.com.vn, http:// congtyxuatkhaulaodongsingapore.com, đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore. Tuy nhiên, hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp.

Chỉ cần gõ từ khóa “xuất khẩu lao động Singapore” lên mạng là có thể nhận được hàng nghìn kết quả tìm kiếm, trong số đó không ít thông tin giới thiệu về các đơn hàng xuất khẩu lao động sang Singapore. Người đăng tuyển “vẽ” ra tương lai tươi sáng với những lời lẽ ngon ngọt như môi trường làm việc năng động, lương cao, thưởng nhiều, làm thêm ít… Nhưng thực tế, thị trường xuất khẩu lao động Singapore không dễ dàng cho người lao động sang làm việc. 

Singapore là một trong những thị trường “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Những doanh nghiệp cố tình bỏ qua quy định của pháp luật, không đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều là xuất khẩu lao động chui. Những lao động đi dưới hình thức này sẽ không được pháp luật Việt Nam và nước ngoài bảo hộ.

Không tiếp nhận lao động phổ thông

Trước tình trạng nêu trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và cảnh giác trước các chiêu trò để tránh bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) hiện nay, lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass (giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung) hoặc E Pass (giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù).

Lao động Việt Nam sang làm việc ở Singapore chủ yếu là lao động kỹ thuật cao trong các ngành nghề như dịch vụ khách sạn, nhà hàng, bán hàng, kho vận… Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức giấy phép làm việc cho lao động phổ thông.

Để được cấp S Pass hoặc E Pass sang Singapore làm việc, người lao động Việt Nam phải được chủ sử dụng lao động Singapore bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết như nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để xin thư đồng ý về mặt nguyên tắc (IPA). IPA thường có giá trị từ 2 đến 3 tháng. Người lao động nhập cảnh Singapore trong thời gian được bảo lãnh, sau đó phải hoàn tất các yêu cầu khác theo quy định của Singapore để chính thức được cấp visa S Pass hoặc E Pass.

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng khẳng định, chỉ các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận, thì mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Do đó, những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng chỉ đăng ký đi tại các doanh nghiệp có giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH và có đăng ký hợp đồng đi Singapore đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận. Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thẩm định hợp đồng và chấp thuận cho 2 Công ty PITSCO và TMAS Co., Ltd tuyển và đưa lao động thuyền viên tàu du lịch và thuyền viên tàu biển sang làm việc tại Singapore.