Cảnh giác để thông tin cá nhân không rơi vào tay kẻ xấu

ANTD.VN - Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, hoạt động thu thập thông tin của người tiêu dùng ngày càng phát triển với nhiều cách thức và quy mô mới. Nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng những thông tin khai thác được dạng này để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Lộ lọt quá nhiều thông tin cá nhân, nhiều người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 30 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo người tiêu dùng. 

Phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa đựng ít nhất một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng như: họ tên, địa chỉ nhà, hành vi mua bán đã từng thực hiện trong quá khứ... “Những thông tin chính xác này là căn cứ quan trọng để người tiêu dùng tin tưởng vào những nội dung chào mời của các đối tượng. Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ 1-2 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng”- đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

Bị lừa vì mất thông tin cá nhân

Hoạt động thu thập thông tin của người dân ngày càng diễn ra phổ biến và dễ dàng. Chị Phạm Thu Hiền (chùa Láng - Đống Đa) cho hay: “Tôi đưa con đi tiêm phòng, khi về, bỗng nhiên được gọi lại tặng mấy gói nước xả vải, rồi người ta hỏi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại… Đi siêu thị hay bất cứ đâu cũng có người hỏi những thông tin trên. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc gọi, tin nhắn, email rác, lừa đảo khó bị ngăn chặn?”. 

Trên thực tế, thông tin của người tiêu dùng trong thời kỳ kỹ thuật số không chỉ giới hạn ở những nội dung truyền thống như họ tên, địa chỉ, điện thoại... hay thông tin tài chính (số tài khoản, số thẻ ngân hàng...) mà còn bao gồm những thông tin mô tả hành vi, cách thức suy nghĩ và giao dịch của người tiêu dùng.

Chẳng hạn, khi cá nhân nào đó có nhu cầu mua quần áo thời trang, mỹ phẩm và tìm kiếm trên Internet, ngay lập tức, các trang này sẽ cung cấp hàng loạt dịch vụ người tiêu dùng cần (hoạt động thu thập còn gọi là Big Data). Các doanh nghiệp công nghệ lớn như: Google,  Microsoft, Amazon, Facebook... là những ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng Big Data vào hoạt động kinh doanh.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tại Việt Nam, rất dễ dàng để một doanh nghiệp có thể mua được một danh sách các khách hàng với các thông tin chi tiết kèm theo. Các doanh nghiệp sử dụng các thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, trong đó có nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thậm chí mang tính chất lừa đảo người tiêu dùng.

Doanh nghiệp làm lộ thông tin khách hàng

Việc bảo mật thông tin khách hàng mặc dù đã được pháp luật quy định rõ ràng song nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành hoặc chỉ thực hiện một cách hình thức. Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo: “Nhiều người tiêu dùng cho biết trong quá trình nói chuyện, các đối tượng lừa đảo cung cấp chính xác thông tin về giao dịch của họ đã được thực hiện trước đó như ngày tháng mua hàng tại trung tâm điện máy; loại sản phẩm đã mua, giá trị hóa đơn...”. 

Điều này cho thấy, việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng đã không được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, dẫn tới việc rò rỉ thông tin của người tiêu dùng và đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, lừa đảo. Tương tự, không ít thông tin người tiêu dùng bị chia sẻ cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của “khổ chủ”. Bên cạnh đó, do ý thức của người tiêu dùng chưa cao nên còn không ít người chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo trong thời kỳ công nghệ hiện đại diễn biến phức tạp.

Ngoài việc người dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, để tránh trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, các đơn vị, doanh nghiệp cần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cũng được áp dụng mức độ bảo vệ tương đương như người tiêu dùng trong các giao dịch truyền thống; duy trì cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế số. Đồng thời, cơ quan quản lý phải thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt khi phát hiện các hành vi vi phạm.