Cần xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung y, bác sĩ

ANTD.VN - PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đề nghị, phải xử lý nghiêm các đối tượng hành hung y bác sĩ.

Chỉ trong chưa đầy một tháng qua, đã xảy ra hàng loạt vụ việc bác sỹ, nhân viên bệnh viện bị hành hung; hết bác sĩ bị đánh bất tỉnh tại Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội), đến nhân viên thực tập tại Bệnh viện Thái Nguyên bị tát sưng  mặt, rồi côn đồ xông vào Bệnh viện Đại học Y khống chế bác sĩ, truy sát người bệnh… khiến nhân viên y tế thực sự hoang mang.

Cần xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung y, bác sĩ ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất 

Ngày càng manh động

Như ANTĐ đã đưa tin, rạng sáng 7-5, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong khi các bác sĩ đang tích cực cấp cứu cho một nạn nhân vừa được chuyển đến thì một nhóm người cầm hung khí đã xông vào khống chế bác sĩ và chém đứt khí quản người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Phạm Đức Huấn cho biết, do sự việc xảy ra bất ngờ, nhóm côn đồ đông lại có vũ khí nên nhân viên bệnh viện không kịp phản ứng. Dù không có nhân viên y tế nào bị thương trong vụ việc, song theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: “Hành động côn đồ xông vào bệnh viện truy sát nhau khiến bệnh nhân nguy kịch, nhân viên y tế và các bệnh nhân khác đang điều trị tại đó cảm thấy sợ hãi là hành động rất đáng lên án”.

Sau khi vụ việc xảy ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đã ký công văn đề nghị Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an điều tra, làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với nhóm đối tượng đã tổ chức hành hung người bệnh.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, các đối tượng côn đồ xông vào bệnh viện hay nạn hành hung y bác sĩ đang ngày càng đáng báo động. Trước đó chỉ vài ngày, tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, sinh viên Phạm Lê Tùng, trường Đại học Y Dược Thái Nguyên - đang thực tập tại bệnh viện - cũng bị người nhà bệnh nhân bất ngờ tát liên tiếp vào mặt chỉ vì từ chối yêu cầu của người này là “bế bệnh nhân đi chiếu chụp”, trong lúc đồng nghiệp của Phạm Lê Tùng đang đi lấy cáng để vận chuyển bệnh nhân. 

Nghiêm trọng hơn là vụ việc bác sĩ Lê Quang Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhi đánh bất tỉnh, phải khâu 7 mũi ở đầu vào ngày 16-4 vừa qua ngay tại phòng Hành chính khoa Nhi của bệnh viện… 

Không thể cứ nhận lỗi, hòa giải là xong

Trước thực trạng bức xúc nói trên, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, những y bác sĩ bị hành hung có thể không ảnh hưởng nghiêm trọng về thể xác nhưng chắc chắn niềm yêu nghề, nhiệt huyết và sự tự tin sẽ mất đi rất nhiều.

Theo bác sĩ Hiếu, có thể có người nhìn nhận việc y bác sĩ bị hành hung là “đáng đời”, là do “phong bì bệnh viện”... nhưng những “con sâu bỏ rầu nồi canh” trong ngành y chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và thật bất công nếu dùng những “con sâu” để biện hộ cho hành vi phỉ báng, hành hung nhân viên y tế. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, những trường hợp hành hung y bác sĩ chắc chắn phải bị truy tố theo luật hiện hành kèm theo yếu tố tăng nặng. 

“Chúng ta đã có quy định về hành vi chống người thi hành công vụ nhưng những người hành nghề y - đối tượng nguy cơ cao bị tấn công thì chưa có một phương án tự vệ nào được tính đến thực sự hiệu quả. Chúng ta hãy cùng lên tiếng mạnh mẽ để xã hội nhìn nhận sự việc một cách công bằng, không thể mãi điệp khúc xin lỗi, thông cảm, hoà giải mà hậu quả là các vụ tấn công nhân viên y tế ngày càng gia tăng…”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói. 

Đồng quan điểm này, một bác sĩ khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai phân tích, hành vi cố ý gây thương tích được quy định rất rõ khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, hành vi tấn công y bác sĩ - những người đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa cho người bệnh phải được xem là tình tiết tăng nặng, bởi nó không chỉ đi ngược lại với đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều trị, cấp cứu cho các bệnh nhân khác, có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Sau vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã yêu cầu bệnh viện phải tăng cường lực lượng bảo vệ, các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cần thiết để kịp thời xử lý khi có tình huống tương tự; lập kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện; xây dựng và diễn tập quy trình phản ứng nhanh đối với các đối tượng nhập viện, cấp cứu có nguy cơ gây rối an ninh trật tự bệnh viện và có giải pháp chủ động phòng ngừa mất an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và tài sản bệnh viện…