Cải cách tiền lương phải làm nhanh, dứt khoát

ANTD.VN - Sáng 13-12, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo cải cách chính sách tiền lương – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam. 

Sáng 13-12, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo cải cách chính sách tiền lương – kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Hiện nay, chính sách tiền lương có liên quan đến hơn 8 triệu người trong khối Nhà nước và hàng chục triệu người lao động trong khối sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, sau một số lần điều chỉnh, tiền lương cơ sở vẫn thể hiện những hạn chế, bất cập, bất hợp lý.

Bàn về vấn đề cải cách tiền lương trong khu vực công ở Việt Nam, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Changhee Lee cho rằng hiện tượng quan hệ lương gây bối rối trong khu vực công của Việt Nam là mối quan hệ giữa cấp bậc, vị trí việc làm và tiền lương, cấp bậc cao hơn nhưng ở vị trí thấp hơn, cấp bậc, vị trí cao hơn nhưng tiền lương thấp hơn…

Trong gói tiền lương của khu vực công, tỷ lệ các phụ cấp khác nhau trong toàn bộ gói tiền lương còn quá cao, làm cho hệ thống lương đã phức tạp càng trở nên phức tạp.

Lương cơ bản theo cấp bậc nên chiếm ít nhất 50% thu nhập

Ông Changhee Lee khuyến nghị: “Cần chuyển từ hệ thống hệ số lương sang hệ thống tiền lương cơ bản theo cấp, theo số tuyệt đối. Lương cơ bản theo cấp bậc nên chiếm ít nhất 50% tổng thu nhập và vai trò của phụ cấp chỉ mang tính bổ sung.”

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết. Đây cũng là sự mong đợi và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cũng như những người đóng thuế. 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là một quá trình liên tục bởi Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách với nhiều nỗ lực. Nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi. Cải cách tiền lương phải làm nhanh và dứt khoát. 

Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mức lương công chức phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn và không nên dùng hệ số tính mức lương mà tính bằng tiền tuyệt đối.

Nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù. Khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực. 

Ở khu vực sản xuất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần nhận thức được việc Nhà nước phải có quy định mức lương tối thiểu, bảo đảm không người lao động nào được trả thấp hơn mức này, bảo vệ người yếu thế và cả vấn đề giới.

Nhưng đồng thời phải có nhận thức khác về mức lương tối thiểu này, đây không phải là căn cứ để trả lương người lao động phải làm tròn nhiệm vụ với doanh nghiệp chứ không phải ghi danh là được nhận. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, phải có lương tối thiểu giờ, luật hóa lương tối thiểu. Tiền lương khối sản xuất là chi phí của doanh nghiệp, trong nhà nước là chi tiêu công và có quan hệ mật thiết với nhau.