Bừng tỉnh trước lời khuyên bảo nhẫn nhịn của Khổng Tử

ANTD.VN - Triết gia lỗi lạc Khổng Tử (551 TCN-479TCN) có một người học trò học giỏi và rất thích tranh luận. 

Một ngày nọ, cậu học trò vừa đi có việc về tới cổng thì gặp một người đàn ông dáng vẻ như từ nơi xa tới đang đứng ngó vào bên trong, nơi dạy học của Khổng Tử. Thấy lạ, cậu học trò liền bước đến hỏi tìm ai, người đàn ông nọ liền hỏi lại, khi biết được cậu học trò đang học tại đây liền nói: “Ta từ xa tới, nghe nói thầy giáo ở đây được suy tôn là Khổng Thánh nhân, như thế học trò của ông chắc cũng phải giỏi giang lắm, vậy cậu học trò cho ta hỏi: Một năm có mấy mùa vậy? Nếu cậu trả lời đúng ta lập tức cúi đầu, quỳ lạy cậu, còn trả lời sai cậu phải bái lạy ta”.

Cậu học trò trả lời: “Một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu , Đông”, người đàn ông kia cãi lại: “Một năm chỉ có ba mùa”. Cậu học trò tức quá liền cãi to hơn: “Rõ ràng một năm có bốn mùa mà sao ông lại nói có ba mùa?”, người đàn ông kia cũng không vừa cũng đỏ mặt tía tai lên cãi lại, hai bên gân cổ cãi cọ không ai chịu ai.

Khổng Tử nghe tiếng ồn ào ngoài cổng mới đi ra, người đàn ông nhìn thấy liền quay ra nói với ông: “Khổng Thánh nhân, xin ngài hãy phân xử, rốt cuộc là một năm có mấy mùa?”. Khổng Tử mỉm cười đáp: “Ba mùa”. Người đàn ông cười ha hả, đắc thắng quay sang nói với cậu học trò: “Ngươi nghe rõ chưa, một năm chỉ có ba mùa, mau bái lạy ta để ta còn đi”, Khổng Tử ra hiệu cho học trò của mình làm theo để người đàn ông kia nhanh chóng bước đi.

Cậu học trò nghe lời thầy nhưng rất ấm ức, khi người đàn ông đi rồi, cậu mới hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, rõ ràng một năm có bốn mùa sao thầy lại trả lời là ba ạ?”.

Khổng Tử lúc ấy mới từ tốn trả lời học trò: “Con không thấy ông ta sao, đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm châu chấu chỉ sống có ba mùa Xuân, Hạ và Thu, nó đâu biết đến mùa Đông? Con tranh luận với nó thì đến bao giờ mới kết thúc và con cũng muốn biến mình thành châu chấu hay sao? Con hãy nhớ lấy điều này: Tranh cãi với người không cùng nhận thức là một việc vô nghĩa và phí thời gian nhất trên đời. Những thứ đã là chân lý thì đâu cần tranh biện. Là quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân nhưng phải biết nhẫn nhịn và lùi một bước trước biển rộng trời cao để tất cả đều yên ổn cả”.

Cậu học trò nghe lời khuyên bảo của Khổng Tử liền bừng tỉnh và hiểu ra.