Biết bỏ qua những điều nhỏ nhặt

ANTD.VN - Bobby 12 tuổi rất lười học và ma ranh, cậu bé chỉ thích chơi điện tử, không thích làm bài tập và tìm mọi cách để giấu các thông báo của thầy giáo cho bố mẹ về việc học của mình. Bobby thường xuyên đốt các tờ phiếu bài tập về nhà trên đường về từ trường, cậu bé nói dối thường xuyên và chối bay chối biến những việc mình làm bằng các chiêu trò của trẻ con.

Một buổi tối nọ, nhìn vẻ mặt lấm lét của Bobby khi bà nội tìm thấy chiếc đĩa ăn mà bà yêu quý vỡ và được giấu trong một góc bếp, mẹ cậu bé hỏi: “Bobby con làm vỡ chiếc đĩa của bà rồi giấu vào đó phải không?”. Bobby ngay lập tức chối: “Không phải con”, đúng lúc đó thì em gái Bobby đi vào và nói: “Chính là anh Bobby làm vỡ chiếc đĩa của bà hôm qua, con đã nhìn thấy”. Bobby quay sang quát em gái: “Đừng có đổ oan cho người khác, đồ con gái đáng ghét”, nói rồi Bobby kêu gào thảm thiết khi thấy bố đi tới: “Bố ơi, mẹ với em Carla đổ oan cho con đánh vỡ đĩa của bà”.

Bố Bobby ra hiệu cho con vào phòng làm việc, ông nói: “Con hãy nhìn lại mình, con không phải là đàn ông, một người đàn ông thực thụ là phải đứng lên hiên ngang ngay cả khi trời sập. Nhưng đằng này, chỉ vì một cái đĩa vỡ con đã khóc lóc ầm trời, con có biết trong cuộc sống, trong chặng đường dài phía trước của cuộc đời, con có thể bị đổ oan, bị lừa dối, bị sỉ nhục, bị hiếp đáp, bị đối xử bất công… và con cũng sẽ gào khóc khi mọi thứ không như ý muốn của mình sao?”.

Bobby ngừng khóc, cậu bé cúi đầu nghe bố nói, im lặng một lúc rồi đứng dậy nói với bố: “Bố! Con đã hiểu ra rồi, vậy giờ con phải làm gì ạ?”. Người bố nghiêm mặt trả lời: “Con hãy tự hỏi chính mình, con có dư thừa thời gian để chơi trong khi con còn rất nhiều bài tập phải làm, vậy việc gì là nên làm trong lúc này? Để trưởng thành và làm chủ cuộc sống của mình, con phải biết bỏ qua những điều nhỏ nhặt và dành thời gian cho những gì quan trọng hơn”. Bobby hiểu ra, cậu bé ra xin lỗi bà rồi đi về phòng làm bài tập.

Dạy con trẻ là một việc cần thời gian và sự kiên nhẫn và điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ, hiểu chúng và truyền tải thông điệp một cách tế nhị.