Biến tướng quà Tết!

ANTĐ - Có thể nói những năm gần đây, việc Nhà nước, các cơ quan chức năng liên tục đưa ra những quy định liên quan đến việc cấm biếu, tặng quà Tết đã thể hiện sự nỗ lực trong việc ngăn chặn các hình thức biến tướng, lợi dụng quà Tết để hối lộ, chạy chức, chạy quyền…; nhưng nó cũng phần nào cho thấy cái việc biếu, tặng quà Tết ngày càng bị biến tướng, ngày càng phức tạp, công khai. 

Biến tướng quà Tết! ảnh 1

Không phải chỉ mới đây, mà ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2007/QĐ-TTg về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức nhằm nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức. 

Ngăn chặn tình trạng mượn quà biếu phục vụ mục đích cá nhân, năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có Chỉ thị số 21-CT/TƯ, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên; đồng thời không dùng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động trái quy định. Kèm với đó là các chế tài trong các Luật Phòng, chống tham nhũng, minh bạch tài sản, thu nhập… cũng đề cập đến mức quà bao nhiêu là đã phạm tội đưa và nhận hối lộ với khung hình phạt rất nghiêm khắc. 

Với chủ trương đó, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết là Thanh tra Chính phủ lại ban hành các văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm tình hình và báo cáo việc vi phạm về các quy định tặng quà, nhận quà tặng trong dịp Tết. Thậm chí, Thanh tra Chính phủ còn công bố số điện thoại đường dây nóng để trực tiếp nhận phản ánh của người dân về tham nhũng và tặng quà Tết trái quy định. Các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan cũng trực tiếp ra các văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời nghiêm cấm việc tặng quà cho cấp trên, không sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết… 

Có thể nói, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn thực trạng này. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế là hàng năm, cứ đến dịp Tết những món hàng có giá trị vật chất lớn với mục đích biếu, tặng Tết… bán ngày càng chạy. Năm sau “rút kinh nghiệm” năm trước, người ta càng săn-lùng-tìm-kiếm những món quà đắt, “độc” hơn để đi biếu. Người ta ngụy biện rằng, không dùng đến công quỹ thì không sai quy định và rằng biếu “vì tình cảm cá nhân” là chính đáng. Là tình cảm cá nhân đã đành, không ít người còn dùng cả tiền tập thể để đi biếu, đi tặng. Thật là, giữa “tình cảm” và “mưu lợi”, giữa “chính đáng” và “trái quy định”, chẳng biết đâu mà lần. Vậy thì cấm là phải.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, cả nước có 32 người nộp lại quà tặng với tổng giá trị 791 triệu đồng… Con số như hạt cát giữa sa mạc, nhưng cũng nên ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan chức năng với mong muốn sẽ có những tác động nhất định thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức, người kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn phải trở lại gốc rễ vấn đề, rằng chỉ khi nào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, cơ chế xin - cho bị đẩy lùi, thì chắc chắn lúc đó quà Tết mới không bị biến tướng.