Bị tâm thần, trộm cắp quần áo có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN - Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều clip, hình ảnh về một người phụ nữ khoảng 60 tuổi trà trộn vào trong các cửa hàng trộm cắp quần áo hàng hiệu về bán trên vỉa hè đường Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội, gây bức xúc cho các chủ kinh doanh và người dân.

Hình ảnh bà N tại cửa hàng bán quần áo do camera ghi lại

Người phụ nữ có hành vi trộm cắp đã bị camera trong nhiều cửa hàng ghi lại. Một số chủ cửa hàng sau khi phát hiện đối tượng này đã từng trộm cắp hàng hóa của mình đã giữ đối tượng lại, đặt các câu hỏi liên quan tới vụ việc nhưng người phụ nữ này cố tình lảng tránh, không ngừng khóc lóc và nói mình mắc bệnh thần kinh, bị tâm thần phân liệt. 

Được biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân về các vụ việc trên, CAP Giảng Võ đã xác minh thông tin liên quan về nhân thân của đối tượng. Người phụ nữ lấy cắp đồ trong các cửa hàng quần áo được xác định là bà P.T.N (ở  huyện Thường Tín, Hà Nội). Để dễ bề “hành động”, mỗi khi vào các cửa hàng bà N thường mang theo túi đựng khá to và chiếc nón để che mắt nhân viên bán hàng.

Theo Trung tá Bùi Hữu Hưng, Trưởng CAP Giảng Võ, mặc dù bà N đã nhiều lần trộm cắp quần áo mang bán song tại địa phương, bà N có hồ sơ bị bệnh động kinh, có giấy chứng nhận bị thần kinh nên cơ quan công an  gặp nhiều vướng mắc trong công tác xử lý. Hiện CAP đã ra thông báo những chủ cửa hàng từng bị bà N lấy trộm quần áo đến nhận lại hàng hóa, đồng thời bàn giao bà N cho chồng đưa đi chữa bệnh.

Phân tích dưới góc độ các quy định hiện hành, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi trộm cắp của bà N đã khá rõ ràng với nhiều đoạn video được ghi lại từ camera tại các cửa hàng, một số bị hại cũng đã được xác định. Tuy vậy, do bà N có giấy xác định tâm thần, đã từng đi điều trị tâm thần nên để xác định tại thời điểm thực hiện hành vi bà N có mất hay hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều chỉnh hành vi hay không thì cơ quan tố tụng cần phải tiến hành trưng cầu giám định. 

Điều 13 - Bộ luật Hình sự quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”.

Do vậy, nếu kết quả giám định cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi trộm cắp bà N mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì bà N không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của cơ quan điều tra nên cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định.  

Còn trong trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi trộm cắp bà N vẫn còn đủ hoặc hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, bà N có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện.

Cũng theo luật sư Hoàng Huy Được, thời gian qua tình trạng người tâm thần phạm tội diễn ra khá phức tạp. Song quy định của pháp luật về việc quản lý, phòng ngừa người tâm thần gây án còn khá nhiều hạn chế. Pháp luật hình sự hiện hành quy định chỉ những người bệnh thực hiện hành vi phạm tội, đã gây ra hậu quả nguy hiểm mới bị áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh tâm thần.

Còn với những trường hợp bị tâm thần nhưng chưa có hành vi gây nguy hiểm thì hiện chưa có quy định bắt buộc phải cách ly với cộng đồng. Điều này khiến công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với người tâm thần gây án gặp nhiều vướng mắc.