Bị phạt tù vì làm hư hỏng tài sản của người khác

ANTD.VN - Trong lúc cự cãi, em trai tôi dùng gạch ném vào quầy hàng của người khác dẫn đến vỡ một số bình sứ và thủy tinh ước tính thiệt hại hơn 2,7 triệu đồng. Sau sự việc trên, em tôi đã bị triệu tập lên cơ quan công an. Xin hỏi luật sư với hành vi trên, liệu em trai tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản” không? Trần Văn Minh (Nam Định)

Bị phạt tù vì làm hư hỏng tài sản của người khác ảnh 1Luật sư Giang Hồng Thanh, VPLS Giang Thanh, Đ/c: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời: Theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178. Cụ thể là “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia; dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác để che giấu tội phạm khác; vì lý do công vụ của người bị hại; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này và tái phạm nguy hiểm... sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 2-7 năm. 

Đối với trường hợp trên thì để xác định người thân của bạn có hành vi hủy hoại tài sản hay không phải phụ thuộc vào kết luận định giá của cơ quan chức năng. Chỉ khi Hội đồng định giá xác định giá trị tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, nhưng không quá 50 triệu đồng thì người thân của bạn mới bị xử lý hình sự theo khoản 1, Điều 178 - BLHS 2015. Ngoài ra, người phạm tội còn phải bồi thường toàn bộ giá trị thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản. Mặc dù BLHS 2015 chưa chính thức có hiệu lực thi hành nhưng do hình phạt của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo bộ luật này nhẹ hơn BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 nên theo quy định có lợi cho người phạm tội thì các cơ quan tố tụng hình sự sẽ áp dụng BLHS 2015 để giải quyết vụ án.