Bệnh viện cũng "thổi" chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

ANTD.VN - Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, thậm chí là chia nhỏ và đặt tên thành các dịch vụ khác nhau nhằm tăng chi phí để được bảo hiểm thanh toán.

Đại diện Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến phía Bắc cho biết, cơ quan này đã phát hiện nhiều hình thức trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) thông qua sự bất thường về tần suất khám chữa bệnh, thậm chí, chính các bệnh viện cũng có nhiều “chiêu trò” như chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kéo dài thời gian điều trị khiến chi phí gia tăng đột biến. 

Bệnh viện cũng "thổi" chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ảnh 1Nhiều cơ sở y tế dùng “chiêu trò” để trục lợi quỹ BHYT (Ảnh minh họa)

Đủ chiêu “biến hóa”

Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến phía Bắc nêu ví dụ: “Hồ sơ đề nghị thanh toán của Bệnh viện Bạch Mai gửi lên chúng tôi có một bệnh nhân được chỉ định chụp CT 12 lần trong đợt điều trị kéo dài 10 ngày. Như vậy, ngày nào cũng chụp CT, thậm chí có ngày còn chụp 2 lần!”. 

Tương tự, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cũng chỉ ra rằng: “Ở Nghệ An, có bệnh nhân được bệnh viện gửi chi phí thanh toán trám chân răng với số lượng 24 cái trong một lần chữa răng. Cũng bệnh viện này, một bác sĩ một ngày nội soi tai mũi họng cho 150 bệnh nhân”.

“Vấn đề là không thể vạch miệng bệnh nhân để xem có bao nhiêu chiếc răng được trám. Vì vậy, bảo hiểm dựa trên thời gian thực hiện dịch vụ và số lượng bác sỹ của bệnh viện để tính toán và hiện đang treo chưa thanh toán cho bệnh viện khoảng 10 tỷ đồng”, ông Lê Văn Phúc cho hay. 

Theo ông Lê Văn Phúc, nhiều bệnh viện còn dùng “chiêu” chia nhỏ dịch vụ để khai tăng chi phí. “Trên 1 phim chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương cẳng chân, xương gót, nhưng nhiều bệnh viện yêu cầu bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán 3 dịch vụ khác nhau là chụp gót chân, chụp cổ chân, chụp xương cẳng chân với mức thu trên 300.000 đồng phí dịch vụ”, ông Lê Văn Phúc cho hay.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng chỉ ra tình trạng khám vượt số lượng so với quy định. Nhiều bệnh viện thường xuyên khám 100 bệnh nhân với mỗi bàn khám bệnh trong một buổi, trong khi đó, quy định chỉ cho phép một bàn khám 35 bệnh nhân/buổi khám, tối đa là 45 bệnh nhân.

Có thể khẳng định rằng, nếu thực tế khám như vậy thì chất lượng sẽ không thể đảm bảo và người bệnh phải hứng chịu những thiệt thòi. Thực tế, cũng cho thấy, nhiều bệnh viện tráo đổi tên dịch vụ kỹ thuật này thành một dịch vụ khác với giá cao hơn. Ví dụ như, phẫu thuật cắt ruột thừa thành phẫu thuật cắt ruột thừa có viêm phúc mạc hay cắt u buồng trứng thành cắt u buồng trứng cắm sâu trong tiểu khung…

“Ảo thuật” với cả vật tư y tế

Ngoài các chiêu trò nêu trên, cơ quan chức năng còn chỉ ra một số trò “ảo thuật” được các bệnh viện áp dụng với vật tư y tế như thống kê thanh toán các loại thuốc, dịch truyền, vật tư y tế đã kết cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật hay sử dụng vật tư y tế như găng tay, kim châm cứu… ít hơn so với định mức và đề xuất thanh toán.

Đại diện BHXH Việt Nam chia sẻ, qua hệ thống giám định, cơ quan này cũng thống kê, phát hiện các chênh lệch giá cùng một mặt hàng thuốc do cùng một công ty cung ứng và được cơ sở y tế lựa chọn thuốc giá cao sử dụng. Đơn cử, trong quý I-2017, chênh lệch giữa sử dụng Cefrtriaxon 2g và 1g lên tới 10,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (BHXH Việt Nam) thông tin: “Qua khảo sát tại 31 tỉnh, thành phố, chênh lệch giá thuốc do giá trúng thầu cao hơn giá trung bình đã lên tới trên 121 tỷ đồng. Tính trên 36 thuốc Đông y trúng thầu vào một bệnh viện ở Sơn Tây (Hà Nội) và Sở Y tế Ninh Bình, hai địa phương cách nhau hơn 100km thì chênh lệch là hơn 450 triệu đồng”.

Giá thuốc và vật tư y tế còn bị đẩy lên bởi nhiều lý do khác. Ví dụ, khi khảo sát giá vật tư y tế, cơ quan chức năng đã phát hiện tỉnh Thanh Hóa gom tất cả các mặt hàng vào một gói thầu. Trong khi đó, thực tế thì không doanh nghiệp nào kinh doanh tất cả các mặt hàng và cung ứng được. Cuối cùng, doanh nghiệp của tỉnh trúng thầu và phải đi gom hàng, riêng việc gom hàng đã khiến giá bị đẩy lên. Nhìn chung, giá trúng thầu không thể như nhau, nhưng chênh lệch phải có sự hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, có đến 65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế, nhưng những trúc trắc trong sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc và vật tư y tế đang tạo những kẽ hở để nhiều nơi, nhiều người kiếm lợi từ quỹ BHYT.