Bệnh tay chân miệng đang bùng phát ở Đắk Lắk

ANTD.VN -Do diễn biến thời tiết thất thường, bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh ở Đắk Lắk. Trung bình mỗi tuần, ở tỉnh Đắk Lắk ghi nhận khoảng 40 ca mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Các bác sĩ đang theo dõi tình hình cho con chị Nguyễn Thị Lan Hương.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương, ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột có con trai 3 tuổi bị mắc bệnh tay chân miệng đã nhập viện hơn 2 ngày nay. Trước đó, bé có các triệu chứng phát bệnh nặng như: sốt, nổi mụn nước quanh vòm miệng, chị Hương vô cùng lo lắng nên đã đem con mình đến bệnh viện để khám và điều trị bệnh.

Thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần, ở tỉnh Đắk Lắk ghi nhận khoảng 40 ca mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Buôn Đôn. Theo ghi nhận, số ca mắc tuần sau lại cao hơn các tuần trước.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa nhi truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, tuy nhiên số lượng bệnh nhân trong tháng 9 tăng gấp 2 và 3 lần so với các tháng trước. Mỗi ngày có từ 4 đến 5 bệnh nhân tay chân miệng nhập mới, cá biệt có ngày lên đến 10 trường hợp, đa phần các bệnh nhân vào viện từ độ 2A trở lên, đối với các bệnh nhân này cần được theo dõi điều trị tránh để biến chứng nặng.”

Trước tình hình trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm y tế các địa phương tập trung chữa trị bệnh tay chân miệng, đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đến người dân; phát hiện sớm các ca bệnh, kịp thời xử lý triệt để từng ca bệnh, ổ dịch. Các đơn vị trong ngành y tế tại các địa phương phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tay-chân-miệng tại trường mầm non, xã, phường, thôn, buôn và hộ gia đình...

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng gần 1.300 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 500 ca so với cùng kỳ năm 2016. Để phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ, biện pháp tốt nhất vẫn là vệ sinh cho trẻ trong ăn uống, ngăn chặn virut tấn công qua đường tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với đồ chơi.