Bé trai 2 tuổi sống thực vật vì hóc hạt nhãn nhưng gia đình không biết cách xử lý

ANTD.VN - Được người thân bóc nhãn cho ăn nhưng không bỏ hạt, cháu bé 2 tuổi ở Nam Định nuốt nguyên cả quả nhãn vào miệng và bị hóc. Do xử trí cấp cứu ban đầu không đúng, hạt nhãn bị hóc bịt kín đường thở khiến cháu bé rơi vào hôn mê sâu…

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn hướng dẫn cách xử trí ban đầu khi trẻ bị hóc dị vật

Chiều nay, 25-7, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một ca cấp cứu trẻ bị hóc dị vật rất thương tâm từ Nam Định chuyển lên.

Cháu bé này được người thân cho ăn nhãn cả quả nhưng không bóc bỏ hạt dẫn tới bị hóc, ho sặc sụa, tím tái. Gia đình đã sơ cứu rồi đưa bé tới bệnh viện huyện. Tại đây bé được đặt nội khí quản và chuyển đến bệnh viện tỉnh rồi tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cho biết, trẻ bị hóc dị vật nói chung, hóc hạt nhãn nói riêng, nếu biết cách xử trí ban đầu thì không gây nguy hiểm tới sức khỏe. Thế nhưng, đáng tiếc, là trong trường hợp nói trên, cháu bé 2 tuổi ở Nam Định đã được xử trí cấp cứu ban đầu không đúng, khiến hạt nhãn bít kín đường thở.

“Tại thời điểm bệnh nhân đến, chúng tôi phát hiện hạt nhãn ngay nắp thanh môn của bệnh nhi vẫn còn nguyên cả hạt, cùi. Rất đáng tiếc là vấn đề của bệnh nhân do cấp cứu ban đầu không đúng, hạt nhãn bít kín đường thở nên khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện đã hôn mê sâu. Dù bệnh nhân được xử trí cấp cứu nhưng do não thiếu oxy, bệnh nhân tổn thương não, hiện đang sống thực vật” – bác sĩ Toàn chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Toàn, số ca hóc dị vật trẻ em được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong thời gian trẻ được nghỉ hè thường gia tăng. Cách đây 4 ngày, bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi khác bị hóc hạt chôm chôm. Bệnh nhân khi vào viện đã trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở 10 phút và hiện đang được điều trị tích cực, nhưng tình trạng tổn thương não do thiếu oxy rất nặng nề.

Bác sĩ Toàn hướng dẫn cách vỗ lưng, ấn ngực để trẻ ho đẩy dị vật ra ngoài

Bác sĩ Toàn khuyến cáo cách xử lý ban đầu khi trẻ bị hóc dị vật như sau: Nếu bệnh nhân tỉnh táo, ho được thì hãy khuyến khích bệnh nhân ho rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp bệnh nhân không ho được, cần nhanh chóng làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực để mở thông đường thở. Cụ thể:

Bước 1: Tay người cấp cứu đỡ vào cằm của bệnh nhi, đầu chúi xuống phía dưới, người của bệnh nhân đặt thẳng lên tay của người cấp cứu, đặt lên đùi của người cấp cứu.

Bước 2: Xác định vị trí và tiến hành vỗ lưng 5 lần, vỗ lực hướng từ trên xuống dưới. Quan sát xem dị vật ra hay chưa.

Bước 3: Nếu không được, lật ngược bệnh nhân nằm ngược lại và tiến hành ấn ngực. Vị trí ấn ngực xác định ở ½ dưới xương ức. Với trẻ lớn, các bước làm tương tự nhưng cần lấy ghế ngồi để đỡ bệnh nhi.

Trong trường hợp, dị vật đã ra khỏi cơ thể, các gia đình vẫn cần đưa bệnh nhân lên cơ sở y tế để thăm khám và trong quá trình sơ cứu nên đồng thời gọi điện thoại cho các Trung tâm cấp cứu gần nhất.