"Bật đèn xanh" giảm tải gánh nặng học hành

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa yêu cầu tinh giản nội dung dạy học vượt quá yêu cầu kiến thức hoặc lạc hậu. 

Nhà trường được bật đèn xanh trong giảm tải và đổi mới đánh giá học sinh

Trong khi chờ triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm giảm tải những nội dung trùng lặp, đưa phương pháp tích hợp cùng cách đánh giá mới thay vì cách làm bài kiểm tra truyền thống để lấy điểm trong các trường phổ thông hiện nay.

Bỏ các thông tin lạc hậu

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, các trường cần rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu.

Theo đó, giáo viên không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, yêu cầu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK” là chưa phù hợp. 

Một trong những nội dung đổi mới lần này là việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau như đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập...

“Bộ GD-ĐT yêu cầu học sinh phải biết vận dụng năng lực thực tế nhưng thực tế là có nhiều nội dung cần thiết lại không có trong SGK, vì thế giáo viên phải đưa vào bài giảng để học sinh hiểu thêm về vấn đề. Việc cấm dạy nội dung ngoài SGK là không hợp lý. Có chăng thì Bộ chỉ nên quy định không được dạy vượt quá những chuẩn kiến thức” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường lựa chọn chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. 

Đây là phương pháp mà nhiều thầy cô giáo đã thực hiện trong quá trình giảng dạy nhằm đem lại sự đổi mới trong cách học, tạo hứng thú cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Chín, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông, Hà Nội cho biết, môn học này các em  học sinh hay kể cả giáo viên chưa có sự quan tâm đúng mức nên để phát huy hiệu quả, bản thân cô luôn đổi mới phương pháp, mạnh dạn vận dụng giáo án tích hợp để bài giảng.

Cho phép chấm điểm các hoạt động

Một trong những nội dung đổi mới lần này là việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau như đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS và THPT).

Cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy môn Lịch sử - THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, cho biết, đối với môn học phụ, “khô, khó, dài, khổ” như môn cô phụ trách thì phải có phương pháp dạy học, đánh giá sáng tạo. Cô Dung đã đề xuất, tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường xây dựng chương trình vừa học, vừa tham gia hoạt động ngoại khóa bổ ích nhằm phát huy tiềm năng của học sinh. Cách dạy và học này giúp học sinh hứng thú, vận dụng được kiến thức và thay đổi cách đánh giá theo kiểu đọc chép trước đây.

Đây cũng là yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong việc tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học tập cả trên lớp và ngoài lớp học.

Các giáo viên cần chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.