Bán tài sản thuê của người khác, phạm tội gì?

ANTD.VN - Chị Nguyễn Thị H. (SN 1972), là Giám đốc công ty chuyên cung cấp, cho thuê xe tự lái. Ngày 10-7, Trần Văn A. (SN 1979) có đến doanh nghiệp của chị Nguyễn Thị H. ký hợp đồng để thuê xe trong thời gian 1 tuần. 

Bán tài sản thuê của người khác, phạm tội gì? ảnh 1(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Hết thời gian thuê, A. không mang xe đến trả để thanh lý hợp đồng. Sau đó, chị H. đã trình báo cơ quan công an. Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện Trần Văn A. đã mang xe đi bán và bỏ trốn. 

Vấn đề đặt ra trong trường hợp này, với hành vi bán tài sản thuê của người khác, Trần Văn A. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Tội sử dụng trái phép tài sản

 Trong vụ việc này, Trần Văn A. đã phạm tội sử dụng trái phép tài sản. Theo nội dung vụ việc, chị Nguyễn Thị H. là Giám đốc công ty chuyên cung cấp, cho thuê xe tự lái, do đó chiếc xe ô tô mà Trần Văn A. thuê của chị Nguyễn Thị H. là tài sản hợp pháp của chị H. Trần Văn A. sau 1 tuần thuê xe của chị H. thì đã bán chiếc xe rồi bỏ trốn.

Như vậy theo tôi, Trần Văn A. đã có hành vi giao dịch trái phép tài sản của chị Nguyễn Thị H. Trong vụ việc này, mục đích bán xe đi thuê của Trần Văn A. là vì mục đích vụ lợi. Do đó theo tôi, Trần Văn A. đã phạm tội sử dụng trái phép tài sản.

Đoàn Quỳnh Anh (Phủ Lý - Hà Nam)

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Pháp luật quy định về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đó là khi một người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng hợp pháp rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Mong muốn, ý định chiếm đoạt tài sản của người khác chỉ có sau khi hai bên đã thực hiện hợp đồng một cách hợp pháp. Trong vụ việc này có thể thấy, Trần Văn A. đã ký hợp đồng thuê xe ô tô của chị Nguyễn Thị H. một cách hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó Trần Văn A. lại bán chiếc xe này rồi bỏ trốn. Như vậy rõ ràng việc làm của Trần Văn A. đã vi phạm pháp luật xuất phát từ việc tín nhiệm của chị H. với mình. Do đó, tôi cho rằng Trần Văn A. đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

        Hoàng Văn Quyền (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hành vi thuê xe rồi sau đó mang đi bán của Trần Văn A. trong vụ việc này theo tôi đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do muốn chiếm đoạt chiếc xe của chị Nguyễn Thị H. nên Trần Văn A. đã đến công ty của chị H. để thuê xe. Mục đích thuê xe của Trần Văn A. rõ ràng là muốn chị H. giao tài sản vào tay mình.

Như vậy, ngay từ đầu Trần Văn A. đã có ý chí muốn chiếm đoạt chiếc xe của chị H. Bằng thủ đoạn gian dối này, Trần Văn A. đã có được chiếc xe của chị H., sau đó đem đi bán và lấy tiền bỏ trốn. Như vậy theo tôi cần phải xử lý Trần Văn A. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Hoàng Thúy Quỳnh (Bảo Thắng - Lào Cai)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định Trần Văn A. đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới 4 triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt. Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do lỗi cố ý.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Do đặc điểm của tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, nên hành vi khách quan của tội phạm này có điểm đáng chú ý là việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản. Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý.

Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản (ý thức chiếm đoạt tài sản) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp của vụ việc này, Trần Văn A. đã đến công ty chuyên cung cấp, cho thuê xe tự lái của chị Nguyễn Thị H. để ký hợp đồng thuê xe. Sau khi có được chiếc xe, Trần Văn A. đã mang xe đi bán và bỏ trốn. Như vậy Trần Văn A. đã có hành vi sử dụng tài sản của chị Nguyễn Thị H. vào mục đích bất hợp pháp.

Trong vụ việc này Trần Văn A. không phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có sự giống nhau thể hiện ở các điểm gồm: Cả hai tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu đối với tài sản.

Mặt khách quan của cả hai tội đều được thực hiện bằng phương pháp hành động, đều thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Hai tội này đều dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Cả hai tội đều được coi là hoàn thành từ khi chiếm đoạt được tài sản. Mặt chủ quan của tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều có hình thức lỗi cố ý trực tiếp.

Người phạm tội đều thấy trước hành vi lừa đảo hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là nguy hiểm cho xã hội, hành vi ấy đều gây thiệt hại cho quyền sở hữu của chủ tài sản, tuy nhiên người phạm tội đều mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác với mục đích vụ lợi.

Tuy nhiên, sự khác nhau của 2 tội thể hiện cơ bản ở thủ đoạn chiếm đoạt tài sản. Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ. Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản.

Thủ đoạn gian dối là nguyên nhân nhận được tài sản của người khác để chiếm đoạt tài sản ấy. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản cho người phạm tội. Họ nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng.

Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản. Trong vụ việc này thể hiện Trần Văn A. đã không dùng thủ đoạn gian dối để thuê xe ô tô của chị Nguyễn Thị H. và nhận tài sản từ chị Nguyễn Thị H. một cách hợp pháp, ngay thẳng thể hiện qua hợp đồng đã ký với công ty chị H. Tuy nhiên sau khi có được tài sản của chị H., thì Trần Văn A. đã đem bán và bỏ trốn. 

Trong vụ việc này, Trần Văn A. cũng không phạm tội sử dụng trái phép tài sản. Đặc trưng cơ bản của tội sử dụng trái phép tài sản là người phạm tội chỉ có ý định khai thác lợi ích do tài sản đem lại chứ không có ý định chiếm đoạt tài sản, sau khi đã khai thác lợi ích của tài sản, người phạm tội sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu như: dùng xe ô tô của cơ quan để chở hàng thuê lấy tiền, dùng tiền quỹ đem gửi tiết kiệm hoặc cho người khác vay lấy tiền lãi, vay tiền ngân hàng nhưng không sử dụng tiền vào mục đích khi vay mà sử dụng vào mục đích khác dẫn đến mất khả năng thanh toán.

    Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)