Bạn đọc ủng hộ hành động của sỹ quan CSGT

ANTĐ - Liên quan đến vụ “CSGT chặn bắt xe vi phạm” trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình ủng hộ hành động của cán bộ CSGT trong đoạn clip được chia sẻ và cho rằng, nếu không ngăn cản quyết liệt, thì nhiều khả năng, 2 thanh niên kia sẽ gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Hình ảnh chiến sỹ CSGT xoạc chân chặn xe vi phạm (Ảnh cắt từ clip)  

Không xử lý mạnh tay sẽ gây nguy hiểm cho người khác

Bạn Quốc Tuấn chia sẻ: “Mình ủng hộ anh CSGT, trong tình huống này nếu anh CSGT không đạp gã thì 2 thanh niên này có thể gây nguy hiểm cho xã hội và bản thân họ vì chạy ngược chiều, lạng lách, đối đầu với xe ô tô nguy cơ dẫn đến tai nạn là rất cao”.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn Tố Như cũng cho ý kiến: “Không chấp hành lệnh dừng xe của CSGT, nếu anh CSGT không đạp xe, trấn áp thì khả năng, nhiều người tham gia giao thông cũng sẽ bị tai nạn do hành vi này. Tôi ủng hộ CSGT”.

Nhiều độc giả đồng tình với hành động trên của cán bộ CSGT

Bên cạnh đó, một số bạn đọc còn chỉ ra rằng, những hành vi như: phóng nhanh, chạy ngược chiều vào làn xe ô tô, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT… “người bình thường không ai làm như thế”, chỉ có những thành phần tội phạm mới có cách chống đối quyết liệt như 2 đối tượng trên. Bởi vậy, “việc quyết liệt trấn áp là nên làm”.

“Với trường hợp này tôi ủng hộ. Vì nếu người bình thường họ sẽ không ứng xử bằng cách tăng tốc và chạy ngược chiều như vậy”, độc giả John Bui cho biết.

Ở nước ngoài, hành vi vi phạm này sẽ bị phạt rất nặng

Thùy Dương - một người từng sống nhiều năm ở nước ngoài bày tỏ: “Tôi ủng hộ và đứng về phía người giữ gìn luật pháp, hai kẻ đi xe máy không đội mũ, lại còn đi ngược chiều, gây nguy hiểm cho những người khác. Hành động của CSGT như vậy còn nhẹ, chứ bên nước ngoài họ sẵn sàng truy đuổi và có thể bắn ngay tức khắc”.

Trong tình huống cấp bách, CSGT phải phản ứng nhanh để đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác

Đồng tình với ý kiến này, Lan Anh - một du học sinh ở Mỹ cho biết: “Ở nước ngoài vi phạm giao thông họ quyết liệt và xử lý mạnh lắm, với Việt Nam mình như vậy là còn nhẹ đấy”. 

Bạn đọc này đồng thời chia sẻ: “Khi lái xe bên Mỹ, thấy xe cảnh sát hú còi và chớp đèn phía sau thì bạn cần chạy xe chậm lại, tìm chỗ an toàn bên lề phải mà dừng lại. Khi dừng xe bạn có thể  ngồi yên hoặc để hai tay trên vô lăng xe và chờ cảnh sát đến, ra hiệu, lúc này bạn hãy hạ kính xe xuống chừng một gang tay vừa đủ chỗ để nói chuyện. Cảnh sát sẽ yêu cầu bạn đưa bằng lái xe và giấy tờ xe. Nếu có đụng xe thì phải đưa thêm giấy bảo hiểm, họ chỉ biên giấy phạt khi bạn phạm lỗi. Bạn nên ký tên vào giấy tờ mặc dù bạn không hiểu. Trường hợp nếu bạn phản ứng hoặc không nghe theo hiệu lệnh của cảnh sát, bạn có thể sẽ bị bắn tại chỗ, hoặc bị còng tay”.

Qua sự việc này chúng ta mới thấy có rất nhiều ý kiến đưa ra, nhưng đa phần là đồng tình quan điểm nên có biện pháp chế tài mạnh hơn đủ sức răn đe đối với những trường hợp bỏ chạy khi vi phạm giao thông như thế này.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT

Bạn đọc ủng hộ hành động của sỹ quan CSGT ảnh 4

Về sự việc chiến sỹ CSGT Đội 3, Phòng CSGT CATP Hà Nội chặn bắt người vi phạm trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa, dưới góc độ pháp lý, chúng tôi có một số ý kiến như sau: 

Hành vi điều khiển xe máy chở người nhưng cả hai không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX, cố tình lao xe vào đường một chiều, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để xử lý của CSGT rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, đe doạ nghiêm trọng đến an toàn giao thông trên tuyến phố Xã Đàn, nên thuộc trường hợp bị xử lý hành chính. Và theo thông tin trên báo chí, với các lỗi trên, người vi phạm đã tự nguyện chấp hành hình thức xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng và bị tạm giữ xe một tháng theo quy định. 

Việc chiến sỹ CSGT dừng phương tiện vi phạm để xử lý là phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT đường bộ được quy định tại Điều 87 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 4-1-2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.

Vì muốn tránh nguy cơ thực tế đe dọa rõ ràng đến trật tự, an toàn giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của những người đang tham gia giao thông trên tuyến phố Xã Đàn, việc chiến sỹ CSGT băng qua đường, xông ra ngăn chặn hành vi vi phạm của người điều khiển giao thông thuộc trường hợp “Tình thế cấp thiết” theo quy định tại Khoản 11, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. 

Anh Nguyễn Đức Sơn (26 tuổi, trú tại khu tập thể Giày da, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội): 

Hãy đặt mình vào tình huống của chiến sỹ CSGT

Những ngày qua, theo dõi các luồng thông tin, ý kiến xung quanh sự việc chiến sỹ đội CSGT số 3 xử lý chiếc xe máy chở 2 người cố tình đi vào đường ngược chiều trên phố Xã Đàn, tôi chỉ có suy nghĩ thật đơn giản: mỗi chúng ta hãy thử đặt mình vào tình huống ấy, tình huống của người thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và chứng kiến hành vi đe dọa trực tiếp đến sự an toàn, tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông khác.

Chưa kể, hành vi ấy có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ. Tôi cho rằng trong khoảnh khắc đó, chiến sỹ CSGT chỉ có quyết tâm duy nhất: ngăn chặn bằng được hành vi vi phạm và vì sự an toàn của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Bính (cán bộ hưu trí, trú ở tập thể Trần Hưng Đạo, phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Cần xử nghiêm người vi phạm để làm gương

Điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc xe máy vi phạm lao trúng chiến sỹ CSGT? Và trong trường hợp nếu không bị ngăn chặn kịp thời, ai dám chắc chiếc xe ấy không gây họa cho người, phương tiện khác khi nó đi vào đường ngược chiều? Tôi muốn nhìn nhận sự việc này ở góc độ khác, là “cơ chế” để đảm bảo sự an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ và chế tài để đủ sức răn đe, phòng ngừa những hành vi vi phạm luật giao thông mang tính công khai, coi thường pháp luật.

Mức phạt mấy triệu đồng cho 5 lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện trong sự việc nêu trên, liệu có khiến cá nhân người vi phạm không tái phạm và nó có “giúp” những ý thức kém được nâng lên? CSGT sẽ cần tiếp tục thực hiện, tuân thủ đúng quy trình công tác và cùng với đó, những vi phạm nguy hiểm như trên, cần phải được xử lý nghiêm.