Bạn có tin vào những lời quảng cáo việc làm trên mạng?

ANTĐ - Lừa đảo việc làm qua mạng đã không còn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình trạng này đang trở nên đáng báo động khi những chiêu trò và thủ đoạn đang ngày càng trở nên tinh vi hơn. 

Người lao động dễ dàng trở thành con mồi ngon của những bẫy lừa giăng đầy trên mạng. Những lời quảng cáo hấp dẫn cùng cam đoan trong bản hợp đồng không mạng lại hi vọng về một việc làm tốt mà còn khiến nhiều người phải mất tiền của, thời gian và công sức vô ích.

Từ mất tiền

Hàng loạt những lời giới thiệu hấp dẫn như: “Việc làm thêm tại nhà, chủ động thời gian, không cần kinh nghiệm, làm 3 giờ/ngày, lương tháng từ 3.000.000 đến 5.000.000/tháng” hay “kiếm 3-4 triệu/tháng chỉ với một chiếc laptop”, “công việc làm thêm với những người không có nhiều thời gian”… có thể được tìm thấy trên các trang tìm kiếm việc làm trực tuyến như Viecchoban.com, Rao vặt, vietnamworks.com hay timviecnhanh.vn…

Tuy nhiên với hầu hết những người xin việc đến tuyển dụng thường phải bỏ ra một số tiền không nhỏ cho bên tuyển dụng hoặc môi giới. Số tiền này được bên tuyển dụng thu dưới hình thức là tiền cò, tiền đặt cọc, tiền thế chân, hoặc tiền làm hồ sơ, phí đào tạo... Tiền thì vẫn phải nộp tuy nhiên có được việc làm hay không thì không ai chắc và đương nhiên số tiền đặt cọc sẽ không còn khả năng đòi lại được.

Bạn có tin vào những lời quảng cáo việc làm trên mạng? ảnh 1

Người lao động khi tìm việc cần đến những trung tâm DVVL của Nhà nước hoặc các tổ chức, đơn vị có uy tín 

Không ít các công ty đăng tin trên các website tuyển lao động vơiới nội dung công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sinh viên làm thêm. Ứng viên chỉ cần gửi email đến địa chỉ có sẵn sẽ được chấp nhận phỏng vấn… Tuy nhiên, sau phỏng vấn, nhiều người thất vọng khi biết đó là “chiêu” lôi kéo lao động của công ty để thu phí. Do quá cần việc làm, một số sinh viên chấp nhận đóng phí để rồi mất tiền mà chả biết kêu ai.

Đã từng đi nộp hồ sơ và không ít lần gặp phải công ty lừa đảo, chị Trần Hoàng Yến sinh viên Đại học Công Nghiệp chia sẻ: “Đơn vị tuyển dụng có nhiều chiêu để moi tiền của mình lắm. Thường thì họ sẽ nói chuyển hồ sơ của bạn, cần tiền đi lại để chuyển hồ sơ, cần xác minh thêm hồ sơ hoặc chuyển bạn làm một công việc khác, thử thách bạn với công việc ngoài khả năng để bạn mất tiền đặt cọc rồi những vẫn phải bỏ cuộc”.

Yến cho biết, liên quan đến việc thử thách với công việc ngoài khả năng mà các sinh viên thường gặp phải khi tìm việc trên Internet là gõ captcha (một dãy mật mã được tạo ngẫu nhiên bằng chữ và số).

Đây thực chất của việc tuyển nhân viên đánh máy tại nhà bằng cách nhập những đoạn mã nhưng nó không đơn thuần là việc gõ lại ký tự theo mẫu mà phải giải mã để có thể gõ chính xác.

Để nộp hồ sơ xin vào công việc này phải nộp phí với mức khoảng 200 nghìn đồng. Tuy nhiên việc gõ mã captcha rất khó vì vừa phải nhanh và vừa phải chính xác. Thời gian cho mỗi chuỗi ký tự này chỉ 15s, dù có tinh mắt đến mấy cũng không thể hoàn thành chính xác được. Nếu gõ sai nhiều tài khoản bị khóa và phải đóng tiền để xin lại. Do công việc theo dạng đánh đố nên hầu hết những người thử việc đều phải bỏ dở công việc và chấp nhận mất tiền phí.

Liên quan đến việc lừa đảo xin việc làm dưới hình thức này, đầu tháng 5 vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bắc Từ Liêm, đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hùng, SN 1982, Giám đốc công ty Bình An có trụ sở tại số 279A Phạm Văn Đồng và Trương Thị Thị, SN 1990, là Giám đốc công ty Thương mại dịch vụ vận tải Thăng Long.

Trong một thời gian dài 2 đối tượng này đã câu kết với nhau lừa đảo người lao động bằng thủ đoạn nhận hồ sơ của người xin việc từ công ty Bình An sau đó chuyển sang công ty Thăng Long để ký hợp đồng lao động thử việc. Tuy nhiên, thường thì công ty Thăng Long sẽ bằng mọi cách đánh trượt kết quả thử việc với mục đích để ăn chặn các khoản phí hồ sơ.

Những thông báo tuyển dụng với mức lương và ưu đãi hấp dẫn thường được các đối tượng này đăng tin quảng cáo trên các trang web như chotot.vn, timvieclam.com, báo điện tử 24h.com... với mức lương 6tr/tháng và có hỗ trợ ăn ở. Các đối tượng thu tiền hồ sơ từ 3 đến 5 trăm nghìn đồng, sau đó người tìm việc phải đặt cọc từ 2 đến 5 triệu tùy theo mỗi công việc.

Theo Thiếu tá Lê Đức Hùng - Đội CSĐTTP về TTXH Công an quận Bắc Từ Liêm, trung bình mỗi ngày 2 công ty này tiếp nhận từ 5 đến 10 hồ sơ xin việc. Tính từ tháng 7 năm 2014 cho đến nay đã có rất nhiều người lao động sau khi đọc thông tin tuyển dụng đã tìm đến văn phòng công ty Bình An để nộp hồ sơ xin việc. 

Đến việc bị lừa tình

Bên cạnh các hình thức phải nộp tiền thế chân hay đóng các khoản phí, nhiều người lao động còn dính phải những chiêu trò lừa đảo tinh vi khác. Không ít người rơi vào trường hợp những nhà tuyển dụng dởm hẹn gặp tại quán cà phê để phỏng vấn vì những lý do như “công ty đang sửa chữa”, hay “gặp nhau ở đây thì tiện hơn”… Sau đó, người tuyển dụng bị lừa lấy tài sản như máy tính, xe máy…

Bạn có tin vào những lời quảng cáo việc làm trên mạng? ảnh 2

Tuy hình thức lừa đảo này không mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến không ít người dính bẫy. Đặc biệt trong nhiều trường hợp người tìm việc không chỉ mất tiền mà còn bị các đối tượng hãm hại thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vụ việc xảy ra mới đây tại quán cà phê số 191 Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội là một điển hình như vậy. Nạn nhân là chị N.T.V, trú tại Tân Ấp, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trước đó chị V bị đối tượng tên Vũ Tuấn (SN 1983, trú tại xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) giả danh là nhân viên một Công ty viễn thông, đang làm tuyển dụng nhân sự hẹn đến quán cà phê số 191 Vũ Tông Phan, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội để trao đổi và nhận hồ sơ xin việc của chị V. Tuấn thường xuyên lên mạng tìm thông tin những người cần tìm việc làm và liên hệ, nói dối là nhân viên của Công ty viễn thông, thông báo đang rất cần tuyển dụng vào vị trí kế toán, nếu ai có nhu cầu thì liên hệ gặp Tuấn trao đổi và nộp hồ sơ.

“Khách hàng” Tuấn nhắm tới thường là nữ giới. Khi chị V đến nơi, Tuấn đã dẫn lên tầng 3 của quán, nơi vắng vẻ, chỉ có 2 người. Tại đây, Tuấn đã đòi quan hệ tình dục với chị V. Thấy biểu hiện không đứng đắn của Tuấn, chị V đứng dậy bỏ đi thì Tuấn đứng lên đóng cửa phòng và chạy tới ôm chị V, đồng thời rút trong túi quần một bơm kim tiêm, đe dọa bên trong có HIV, nếu không đồng ý sẽ đâm xi lanh vào người.

Quá hoảng sợ, chị V hét toáng lên. Rất may 2 nhân viên của quán đã đến giúp đỡ, khống chế Tuấn đưa lên Công an.

Cùng thủ đoạn nói trên, trước đó vào ngày 13-3, Tuấn cũng lừa nạn nhân tên H. (quê xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hiện đang ở Hà Nội), đến gặp Tuấn cũng tại quán cà phê 191 Vũ Tông Phan. Tại đây, hắn bắt nạn nhân phải sờ soạng để thỏa mãn sở thích bệnh hoạn của mình. 

Một vụ án tương tự cũng xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ - Hà Nội. Đối tượng Ngô Quang Khánh (SN 1988, trú tại CT1B, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) vào facebook tự nhận mình là chủ nhà nghỉ đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên lễ tân với mức lương 4 triệu đồng/ tháng, ngày làm việc 4 tiếng.

Khi một nữ sinh tên V.A (22 tuổi, quê Đắk Lắk) đồng ý kết bạn với Khánh qua facebook và đến một nhà nghỉ trên địa bạn quận Tây Hồ theo yêu cầu của đối tượng để phỏng vấn thì bị Khánh đưa vào phòng để hiếp dâm. Khánh sau đó đã bị Công an quận Tây Hồ bắt để điều tra về hành vi của mình. 

Thận trọng để tránh bị lừa

Trong thời buổi mở rộng của mạng xã hội và các trang đăng tin trực tuyến, có thể nói việc kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động ngày càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên người lao động cũng cần phải cảnh giác để tránh rơi vào những trường hợp mất tiền của, thời gian và công sức vô ích.

Thiếu tá Lê Đức Hùng - Đội CSĐTTP về TTXH Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Trong việc môi giới xúc tiến lao động việc làm, Bộ Lao động thương binh xã hội có quy định rất rõ về mức thu phí và biểu phí đối với việc tư vấn và giới thiệu việc làm với mức thu chỉ từ 10 đến 20 nghìn đồng. Do vậy người lao động khi xin việc làm cần phải tìm hiểu rõ công ty mình xin việc. Nếu đơn vị tuyển dụng lao động, giới thiệu việc làm có những dấu hiệu khả nghi cần nhanh chóng trình báo Công an phường sở tại để tránh mất tiền mà việc làm không có”.

Theo Thiếu tá Lê Đức Hùng, để phát hiện ra những mánh khóe lừa đảo trong tuyển dụng lao động, nếu có ý định đăng kí làm việc ở một công ty nào đó người lao động cần chủ động tìm kiếm các thông tin cố định như địa chỉ hoặc số điện thoại bàn về công ty đó trên mạng internet.

Khi đến đăng ký xin việc ở những công ty có nghi vấn như địa chỉ không rõ ràng hoặc vị trí đặt văn phòng ở sâu trong ngõ hẻm, địa chỉ nằm khuất trong một khi dân cư nào đó, nếu những công ty này yêu cầu đóng một khoản tiền nào đó thì dù bất kể lý do họ đưa ra là gì và số tiền họ yêu cầu là nhiều hay ít, tốt nhất là nên từ chối ngay và xác định đây không phải là địa chỉ làm việc mà bạn có thể tin cậy.

Ngoài ra để tránh rơi vào những “bẫy” lừa đảo việc làm người lao động khi đi tìm việc cần đến những Trung tâm Dịch vụ việc làm của Nhà nước, hoặc các tổ chức chính trị xã hội và của doanh nghiệp có uy tín, có văn phòng, nhà cửa địa chỉ rõ ràng, có phiếu thu, có con dấu... tránh chạy theo những “bánh vẽ” do các “trung tâm ma” hay “cò việc làm” vẽ ra.