8.000 ca sốt xuất huyết ở Tây Nguyên: Do chủ quan

ANTĐ - Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh tại khu vực Tây Nguyên với số ca mắc gia tăng đột biến. Các chuyên gia y tế dự phòng thừa nhận, bên cạnh yếu tố thời tiết thì nguyên nhân khiến dịch bùng phát còn do sự chủ quan từ phía cơ quan chức năng và người dân. 

8.000 ca sốt xuất huyết ở Tây Nguyên: Do chủ quan ảnh 1Một số bệnh viện ở khu vực Tây Nguyên đã quá tải bệnh nhân SXH

Diễn biến đáng báo động

Tại TP.HCM, 6 tháng đầu năm nay, có hơn 8.600 người mắc SXH và đã ghi nhận 2 ca tử vong, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là diễn biến đáng báo động song vẫn chưa được coi là bất thường nếu so với tình hình tại khu vực Tây Nguyên trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Thống kê từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, cùng thời điểm này năm ngoái, tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, chỉ ghi nhận số ca mắc SXH dao động ở mức 500 ca/ tỉnh thì chỉ trong 2 tháng gần đây (tháng 6 và 7-2016), tại khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận đến 8.000 ca SXH phải nhập viện, 3 ca tử vong. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, tại các địa phương này đã ghi nhận khoảng 35-40 ca mắc SXH mới.

Lý giải về diễn biến phức tạp của dịch SXH tại khu vực Tây Nguyên hiện nay, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Thời tiết đang bước vào mùa mưa, cũng là mùa cao điểm của dịch SXH. Một nguyên nhân quan trọng khác là do sự lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch từ các cơ quan chức năng cho đến người dân. Hơn nữa, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành SXH phổ biến trong những năm qua, miễn dịch đối với SXH của người dân trong cộng đồng ở mức thấp nên khi xuất hiện, dịch sẽ lây lan và bùng phát nhanh.

“Do ảnh hưởng của khí hậu, nắng hạn kéo dài, cộng thêm việc người dân có tập quán trữ nước trong lu, tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng. Ngoài ra, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch, tham gia, kiểm tra chống dịch của chính quyền, cơ quan chức năng nhiều nơi còn chưa quyết liệt” - ông Đặng Quang Tấn nói. 

Nguy cơ bùng phát trong mùa mưa

Trên phạm vi cả nước, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận gần 45.000 ca mắc SXH, trong đó có 14 ca tử vong, tăng khoảng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2015. Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng trong mùa mưa năm nay được Bộ Y tế nhận định là rất lớn nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt. Trong khi đó, qua kiểm tra công tác phòng chống SXH tại 16 tỉnh/ thành phố trọng điểm trên cả nước thời gian vừa qua, các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế phát hiện một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy như Hải Phòng, Thanh Hóa… 

Tại Hà Nội, số ca mắc SXH thời điểm này cũng đang bắt đầu có xu hướng gia tăng, dù vẫn trong tầm kiểm soát. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, ngày 1-8, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường công tác điều trị SXH Dengue, trong đó tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh nhằm xử lý kịp thời các ổ dịch. Bộ Y tế cũng vừa có công văn chỉ đạo tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại 18 tỉnh trọng điểm ngay trong tháng 8-2016 này. 

Theo Bộ Y tế, việc phòng chống SXH còn gặp khó khăn do chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, sự tham gia tích cực và chủ động của cộng đồng và toàn xã hội là yếu tố hết sức quan trọng để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này.