20 năm, Internet len lỏi khắp các ngõ ngách cuộc sống người Việt

ANTD.VN - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn, sau 20 năm hòa mạng toàn cầu, Internet Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng. Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống.

Internet đã làm thay đổi thói quen, cuộc sống của con người

Ngày 22-11, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức sự kiện Internet Day 2017 và lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam với chủ đề “Chuyển động số Internet – Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số”.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay, trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia, để cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.

“Tại Việt Nam, Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Từ người nông dân, công nhân đến học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ... đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Theo thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới. Việt Nam nằm trong top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Internet cũng làm phát sinh nhiều mặt trái như: thông tin xấu độc xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo...

Bên cạnh đó, nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Internet ngày càng đóng vai trò trọng yếu, đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT, viễn thông- Internet mạnh hơn để Việt Nam không bị tụt hậu.

Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định, cơ quan quản lý sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững trong những năm tới.