2 lần phơi nhiễm HIV vì bắt tội phạm

ANTD.VN - “Hai mươi năm làm lính công binh, công việc lúc nào cũng luôn chân luôn tay nên tớ quen rồi. Về hưu mà ngồi một chỗ là không chịu được. Thế nên khi địa phương cần thì mình tham gia để cảm thấy vẫn là người có ích” - ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng tổ tuần tra chuyên trách phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giản dị nói về công việc đã gắn bó suốt 15 năm sau khi nghỉ hưu như thế. Chừng ấy thời gian, ông trở thành khắc tinh của các loại tội phạm, đồng thời cũng là chỗ dựa tin cậy cho người dân ở địa bàn trọng điểm này.

2 lần phơi nhiễm HIV vì bắt tội phạm ảnh 1

Duyên và nghiệp

Ông Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1958, thường ở cái tuổi lục tuần này, đa số người ta đã nghỉ ngơi để làm bạn với những cái thú nhàn tản như chăm cây cảnh, tập dưỡng sinh hay vui vầy bên con cháu. Thế nhưng ông thì khác, ngày ngày ông vẫn phóng xe máy khắp địa bàn cùng các chiến sỹ công an để nắm tình hình an ninh trật tự. Hễ nơi nào xảy ra chuyện hoặc có các đối tượng tội phạm xuất hiện là y như rằng ông Hùng có mặt.

“Thực ra, trước khi vào bộ đội, tớ cũng đã có 2 năm đi công an vũ trang” - ông Hùng giải thích cho cái duyên gắn bó với công tác chống tội phạm của mình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công an và trở về địa phương, năm 1979 ông Hùng lại nghe theo tiếng gọi tổng động viên để vào quân đội. Được phiên chế về Trường sỹ quan Không quân, rồi sau đó là Đoàn 19-5 Công binh Không quân, ông Hùng bôn ba theo các nhiệm vụ đến khắp các vùng ở cả 3 miền đất nước.

Ông ngoắc tay theo một phong cách rất lính: “Đến năm 2000, tớ thấy mình phục vụ quân đội 20 năm như thế là cũng đủ. Con cái cũng cần có bàn tay người cha chăm sóc, thế là tớ xin về hưu để có điều kiện giúp đỡ gia đình. Đến lúc nghỉ rồi lại thấy mình vẫn còn sức lực mà cứ quanh quẩn ở nhà thì cuộc sống này… vô vị quá. Không lẽ có thể đóng góp được cho xã hội mà lại không làm. Vậy là tớ xin tham gia công tác bảo vệ của phường”. 

Nghe câu chuyện, bà Đồng Thị Huệ - vợ ông chen vào: “Dào ôi, chả biết ông ấy đóng góp cho xã hội được những gì, nhưng từ ngày tham gia công việc của phường, ông ấy cũng “đóng góp” cho tôi được mấy vết thương và 2 lần phơi nhiễm HIV khi đi bắt tội phạm. Đấy là chưa kể hàng chục lần ông ấy “góp” thêm cho căn bệnh tim của tôi ngày một nặng vì lo ngay ngáy khi chồng mình cứ đi cả đêm để tham gia theo dõi, truy đuổi bọn buôn bán ma túy”.

Nghe vợ nói kháy thế, ông Hùng lại cười: “Có lẽ công việc bây giờ nó ngấm vào máu tôi rồi. Bà con trong phường, anh em công an tin tưởng, tín nhiệm mình như thế mà không làm thì cứ cảm thấy như mình mắc lỗi”.

Hai lần phơi nhiễm HIV

Trong số những đóng góp ấy thì có một lần, dù thời gian đã qua rất lâu, nhưng bà Huệ vẫn nhớ như in. Đó là vào tháng 7-2008, một buổi chiều, ông Hùng cùng một chiến sỹ hình sự đang làm nhiệm vụ tuần tra địa bàn thì phát hiện đối tượng đang bẻ khóa chiếc xe máy trong một con ngõ nhỏ. Ngay lập tức, cả hai xuống xe chặn ngay đường thoát của tên trộm.

Cùng đường, gã lưu manh thủ thế lăm lăm chiếc tuốc nơ vít nhọn hoắt trong tay tuyên bố: “Tao đang bị Si-đa, đứa nào nhảy vào tao đâm chết”. Ông Hùng bảo, thực ra lúc ấy, cả hai chú cháu đều nghĩ rằng hắn nói thế để mình nao núng. Nhưng dù tên này có bị bệnh thật chăng nữa thì cũng không thể để hắn lọt lưới. Một mặt, ông Hùng thuyết phục tên trộm buông hung khí đầu hàng, một mặt ông gật đầu ra ám hiệu với chiến sỹ công an. Rồi bất ngờ, bằng một thế võ điêu luyện, ông nhảy bổ vào khóa chặt cánh tay cầm vũ khí của hắn.

Biết chắc bị bắt sẽ lại phải vào tù, gã lưu manh điên cuồng chống cự. Cả 2 người ôm đối tượng vật lộn đến rách cả quần áo trong con ngõ nhỏ. Trong lúc khống chế tên trộm, ông Hùng ngửi thấy rõ mùi tanh tưởi từ những vết lở loét đang chảy dịch trên người hắn.

Đến khi đưa được gã thanh niên về Công an phường, cả ông Hùng và chiến sỹ công an kia mới thấy khắp người mình cũng đầy vết trầy xước rớm máu và dính đủ thứ dịch từ người tên trộm. Sau này xác minh, cơ quan công an cho biết tên trộm đó trú tại quận Hoàng Mai và nhiễm HIV giai đoạn cuối thật. Đằng đẵng 3 tháng tiếp theo, ngày nào ông Hùng cũng lặng lẽ vào Bệnh viện Đống Đa để tiêm và uống thuốc phơi nhiễm. Chỉ tới khi các bác sỹ kết luận ông không bị lây HIV thì bà Huệ mới biết về câu chuyện của chồng mình.

Thế nhưng vẫn chưa hết, tháng 4-2013 câu chuyện này lại lặp lại một lần nữa khi ông Hùng bắt quả tang một tên trộm trên đường đi tuần. Và kịch bản vẫn y như lần trước, kẻ gian sa lưới pháp luật còn ông Hùng lại tiếp tục làm bạn với các bác sỹ trong Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa suốt 3 tháng trời để đợi kết luận xét nghiệm HIV.

Tôi hỏi ông có bao giờ sợ một lần nữa lại đối mặt với những tên tội phạm tương tự, ông Hùng lắc đầu: “Tôi đi bộ đội suốt 20 năm, đến cái chết còn không sợ thì cớ gì bây giờ lại phải ngại mấy tên tội phạm hay lũ buôn bán ma túy nghiện ngập. Thực ra điều tôi lo nhất chính là bà xã ở nhà. Nếu bà ấy biết thì rầy rà to”. Nói thế rồi ông nháy mắt với tôi và bật lên tiếng cười sang sảng như muốn vỡ cả doanh trại bộ đội một thời.

Còn sức còn chiến đấu

Đến bây giờ, bản thân ông Hùng cũng không nhớ nổi mình đã tham gia bắt bao nhiêu tên tội phạm. Nhiều lần được cấp trên khen thưởng, anh em chiến sỹ trong Công an phường Khương Mai lại phải giở sổ để thống kê hộ ông.

Thiếu tá Đỗ Khắc Thắng, cán bộ Tổ Hình sự phường bảo: “Trong 10 năm gần đây, ông Hùng đã tham gia xử lý khoảng trên 300 vụ việc, bắt giữ 320 đối tượng lưu manh, trộm cắp.Ở ông Hùng hội tụ đầy đủ yếu tố của một người lính hình sự, đó là sự mưu trí, nhạy bén, dày dạn kinh nghiệm phát hiện và đối phó với các đối tượng tội phạm. Thậm chí, nhiều cậu lính trẻ mới vào nghề nếu được giao nhiệm vụ tuần tra cùng ông đều cảm thấy rất yên tâm, bởi họ có được một cộng sự đắc lực”

Quả thực, ở ông Hùng có một khả năng mà như ông thừa nhận là “sự nhạy bén đặc biệt”. Nhờ cái khả năng ấy mà ông đã bắt gọn một tên trộm đột nhập nhà dân đúng dịp Tết năm 2007 một cách dễ dàng. Số là Tết năm ấy, một người hàng xóm đến gặp ông báo về việc thoáng thấy bóng người ở trong một căn nhà mà chủ nhân hiện đang đi vắng.

Mượn chiếc chìa khóa của chủ nhân căn nhà gửi lại, ông Hùng lặng lẽ mở cửa bước vào. Lần lượt soát từ tầng 1 đến tầng 5 không hề có bóng người, ông Hùng chợt nhận thấy một vết chân mờ in trên bậc cầu thang của căn nhà vắng chủ.

Chắc chắn trong nhà có trộm đang trốn đâu đó, ông Hùng nhanh trí nói to với người hàng xóm nọ cốt để tên trộm nghe tiếng: “Nhà chẳng có ai đâu, ông nhìn nhầm. Để tôi lên khóa tầng tum cho chắc rồi về”. Tên trộm mắc mưu thật, trong lúc ông Hùng giả vờ lục soát thêm 1 lần nữa, hắn lẻn trước lên tầng 5 rồi chui vào bể nước đậy nắp lại và chắc mẩm không ai phát hiện được. Lúc này, cá đã tự chui đầu vào rọ, ông Hùng chỉ việc đến bên cạnh bể nước gõ gõ vào và ra lệnh: “Khôn hồn thì thò từng tay một ra ngoài”.

Cho tới tận lúc bị ông Hùng bập còng số 8 vào tay và áp giải về Công an phường, gã trộm chỉ biết lắc đầu thán phục: “Bố già trông thế mà lắm mưu như Khổng Minh tái thế”.

Tính đến nay, ông Hùng đã có 15 năm tham gia công tác bảo vệ dân phố. Nhiều người hỏi, với chừng đó thời gian làm việc, liệu có bao giờ ông nghĩ mình sẽ nghỉ? Những lúc ấy, ông lại quả quyết: “Khi nào bà con khu phố còn tín nhiệm, còn đóng góp được cho mọi người thì tôi còn làm”.