1km mương, cống hóa 8 năm chưa xong

ANTD.VN - Dự án cống hóa kết hợp làm đường đi mương Kẻ Khế (phường Kim Mã, Đội Cấn, quận Ba Đình) chỉ kéo dài 1,04km, phê duyệt từ 2008 đến nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Kinh phí đầu tư đã  tăng gấp 3,5 lần.

Hàng trăm hộ dân mòn mỏi chờ dự án cống hóa hoàn thành

Năm 2008, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án cống hóa và xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi Trúc đến phố Sơn Tây (quận Ba Đình) với mức đầu tư khái toán là 205 tỷ đồng. Đây chính là dự án cống hóa mương Kẻ Khế kết hợp làm đường đi thuộc địa bàn phường Kim Mã và phường Đội Cấn. Dự án do Ban QLDA Giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội làm đại diện chủ đầu tư.

Ô nhiễm nghiêm trọng 

Được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay, đoạn mương Kẻ Khế do Ban QLDA Giao thông đô thị làm đại diện chủ đầu tư chỉ kéo dài 1,04km nhưng  vẫn chưa thể triển khai thi công. Trong khi đó, mương Kẻ Khế là mương hở, thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa của các hộ dân trên địa bàn hai phường. Việc dự án bị chậm triển khai, thi công khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân khu vực này gặp khó khăn, nhất là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do ảnh hưởng của mương Kẻ Khế.

Bà Vũ Thị Bạch Tuyết, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, phường Kim Mã thông tin, chúng tôi được thông tin về dự án này từ rất lâu rồi, nhưng đầu năm 2016 mới thấy rục rịch triển khai, song cũng chỉ làm được một đoạn ngắn phía đầu giáp với đường Giang Văn Minh rồi lại dừng lại, cũng chưa biết bao giờ sẽ thi công tiếp. “Mương Kẻ Khế ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối nồng nặc. Năm nào thành phố có dịch bệnh như sốt xuất huyết thì cư dân dọc mương này cũng bị. Còn nhớ đợt dịch sốt xuất huyết năm 2015, tổ dân phố chúng tôi có đến 80 trường hợp bị mắc, phải tổ chức phun thuốc diệt muỗi toàn phường”.

Việc thi công dở dang còn khiến dòng chảy thoát nước của mương Kẻ Khế bị ùn tắc, khiến những ngày mưa lớn, nước thải kèm với nước mưa dềnh hết lên nhà dân ở khu vực này. Ông Đặng Thành Công, Chủ tịch UBND  phường Kim Mã thông tin, vào tháng 8 vừa qua, do mưa lớn liên tục trong khi việc thi công mương Kẻ Khế dở dang, nước thải và nước mưa tràn cả vào nhà dân. “Chúng tôi phải yêu cầu Ban QLDA Giao thông đô thị đặt máy bơm cưỡng chế để hút nước ngược từ các hộ dân cư trở ra, đồng thời mở đường thu gom nước thải thì tình trạng tràn nước mới tạm chấm dứt”, ông Đặng Thành Công cho hay.

Ngoài ra, lãnh đạo phường Kim Mã cũng bày tỏ: “Việc giải phóng mặt bằng cho dự án được nhân dân rất ủng hộ vì mương Kẻ Khế gây ô nhiễm rất nặng. Hàng năm, chúng tôi phải đối phó với dịch bệnh dọc tuyến này rất vất vả”. 

Đội vốn 3,5 lần

Trao đổi về dự án này, ông Nguyễn Minh Tước, Trưởng phòng QLDA 2, Ban QLDA Giao thông đô thị cho biết, dự án cống hóa mương Kẻ Khế được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 205 tỷ đồng, gồm cống hóa mương Kẻ Khế dài 1,04km kết hợp xây dựng đường giao thông với mặt cắt 25m, nhưng đến năm 2012, Ban mới mở được thầu. “Dự án kể từ khi được duyệt đến nay thường xuyên rơi vào cảnh không có vốn để triển khai thi công. Đầu năm 2016, chúng tôi mới được bố trí 10 tỷ đồng cho phần xây lắp, hiện đã giải ngân xong. Và trong kế hoạch năm 2017 thì không thấy bố trí vốn cho xây lắp dự án”, ông  Nguyễn Minh Tước thông tin.

Do dự án chậm được bố trí vốn nên bị kéo dài năm này qua năm khác và theo đó tổng mức đầu tư của dự án cũng liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng chóng mặt. Năm 2012, UBND TP đã phê duyệt quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên xấp xỉ 650 tỷ đồng.

Tháng 11-2016, thành phố tiếp tục có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án lên mức hơn 740 tỷ đồng. Trong đó, mọi chi phí như xây lắp, dự phòng… đều giữ nguyên, duy có chi phí giải phóng mặt bằng tăng mạnh. Và cũng tại quyết định phê duyệt tháng 11-2016, thời gian hoàn thành dự án được điều chỉnh đến hết năm 2018.

Đề cập đến việc mương Kẻ Khế đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Tước cho biết, phần chi phí để cống hóa mương Kẻ Khế chỉ khoảng gần 30 tỷ đồng và đến 80% diện tích không phải giải phóng mặt bằng nên Ban rất mong thành phố ưu tiên vốn trước để hoàn thiện hạng mục này, còn hạng mục mở đường có thể chờ bố trí sau. Không chỉ Ban QLDA Giao thông đô thị mà hàng trăm hộ dân trên địa bàn đều mong mỏi việc cống hóa sớm hoàn thiện để cuộc sống của người dân bớt ô nhiễm, không còn phải thấp thỏm lo dịch bệnh kéo đến mỗi khi vào mùa.