15 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng bạo hành vẫn nhức nhối

ANTD.VN - Hôm nay 12-12, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo giải pháp đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống.

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ đánh đập, hành hạ trẻ em một cách dã man khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc đã diễn ra. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần, xảy ra liên tiếp các vụ việc đau lòng như các cô nuôi hành hạ trẻ mầm non ở thành phố TP.HCM; bé gái 7 tuổi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành bằng sắt nung đỏ ở Kiên Giang và mới đây nhất là vụ bé trai 10 tuổi bị bố và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm dài...

Mới đây, bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị bố đẻ bạo hành đến mức rạn 6 xương sườn

Đáng nói là, đa số vụ bạo hành trẻ em do người thân như cha mẹ, cô giáo, bảo mẫu gây ra. Rõ ràng, pháp luật đã quy định tội danh và khung hình phạt cụ thể đối với các hành vi liên quan đến việc bạo hành trẻ em, nhưng tại sao các vụ việc lại diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Phát biểu tại Hội thảo giải pháp đưa Luật trẻ em vào cuộc sống, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Hiện có tới 15 cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng thực tế khi xảy ra vụ việc không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, xử lý.

Luật Trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em nhưng áp dụng vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Ngay cả trong gia đình và nhà trường, nhiều vụ bạo hành, xâm hại các em không ai khác chính là người thân trong gia đình".

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, để đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống thì phải trả lời được những vấn đề xã hội nói chung, trong đó có vấn đề bạo hành trẻ em nảy sinh từ áp lực về kinh tế, việc làm; hay văn hóa - đạo đức xuống cấp; hay vì luật pháp chưa đủ chế định cần thiết hoặc quản lý còn bị buông lỏng.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), việc quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị đã ghi rõ trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1-6-2017 và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống, nên các cấp, ngành vẫn chưa hiểu rõ về Luật.

Bàn về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Đình Bốn cho rằng, muốn xử lý các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em thì trước tiên phải quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phát huy vai trò trách nhiệm của các thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em và Tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em, đảm bảo không em nào bị bỏ lại phía sau trong việc duy trì tiến bộ hướng tới đạt mục tiêu phát triển bền vững.